Ca Đoàn Augustino

Saturday, June 11, 2011

Hành hương La Vang

Hành hương La Vang - Bài 1

Phượng Vũ
Tôi còn nhớ lâu rồi , có lần được nghe một cha Dòng Chúa Cứu Thế giảng về Hành Hương kính Đức Mẹ. Cha bảo dân tộc VN mình rất may mắn được Đức Mẹ thương cách riêng, vì trên thế giới này, không có nước nào được Đức Mẹ hiện ra nhiều lần, nhiều nơi như ở VN.
 
Chúng ta có thánh địa La Vang đã được Tòa Thánh công nhận, và phong La Vang là Vương Cung Thánh Đường đầu tiên của VN. Ngoài ra chúng ta còn có Đức Mẹ Trà Kiệu, Đức Mẹ Tà Pao, Đức Mẹ Bến Tre…nhưng nhiều khi chúng ta lại hay thích “vọng ngoại”, nên cứ lo đi tìm Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Mẹ Fatima, Đức Mẹ Mễ Du…Sao không tìm về với Đức Mẹ La Vang thân thương của quê hương VN ? Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến này, nên khi được biết Năm Thánh VN 2010 sẽ được bế mạc tại La Vang (1/2011), tôi đã chuẩn bị lên chương trình để về Hành Hương La Vang nhân dịp này. (dù tôi đã đi hành hương La Vang mấy lần rồi) Tôi chỉ cầu xin Đức Mẹ nhậm lời để mọi việc được trôi chảy, đừng bị trục trặc, và Đức Mẹ đã nhậm lời.

 
Tôi nhờ cô em ờ VN ghi danh cho tôi theo đoàn hành hương của giáo xứ Phanxicô Đakao. Tất cả mọi thứ đều liên lạc qua email. Đến sáng ngày ra phi Trường Tân sơn nhất để đi Huế, tôi còn chưa biết mặt Trưởng Đoàn, nhưng nhờ Đức Mẹ thương nên mọi chuyện cũng êm xuôi tốt đẹp, tôi còn kết thân được với một bà chị đi chung đoàn. Đoàn chúng tôi đáp máy bay từ Sàigòn đi Huế, vì chuyến bay bị hoãn, nên bay ra Huế khá trễ. Xe đã chờ sẳn để đón đoàn đi Kim Long ăn trưa, rồi trực chỉ La Vang cho kịp tham dự phần nghi lễ long trọng đón tiếp Đức Hồng y đại diên Đức Thánh Cha và các phái đoàn quan khách đến tham dự lễ bế mạc năm thánh 2010 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam tại Thánh địa La Vang (lúc 3:30 giờ chiều).

Gần tới La Vang, chúng tôi thấy la liệt các xe đò, xe bus, sau khi thả khách xuống đã đậu kín hai bên quốc lộ một, theo lời bác tài ít ra đã có hơn 300 xe khách đến từ hôm qua. Dọc theo hai bên quốc lộ, nhiều công an mặc sắc phục đứng rãi rác để giử gìn trật tự lưu thông. Đường từ quốc lộ vào La Vang đã được mở rộng và trải nhựa nên xe chạy khá tốt ! Đường chỉ cho lưu thông một chiều , vào đường này, ra đường khác, nên đở bị kẹt xe. Càng vào gần bên trong thánh địa, hàng quán càng mọc lên như nấm, bán cơm, bán thức ăn phục vụ khách hành hương. Trên đường vào chúng tôi thấy có một bà cụ bị xỉu, đang được khiêng ra ngoài để đưa đi bịnh viện. Đoàn chúng tôi cũng có một bà cu 83 tuổi, nhưng vẫn quyết tâm đi hành hương Đức Mẹ La Vang. Cụ trông khỏe mạnh và vui vẻ, thích góp chuyện với mọi người trong đoàn.
Khi vào đến thánh địa, chúng tôi nhìn thấy ngay cổng một băng rôn thật to với hàng chữ:
ĐẠI LỄ BẾ MẠC NĂM THÁNH 2010
Giáo Hội Công Giáo Việt Nam
 
Người với người tràn ngập khắp mọi nơi . Trời hình như mưa tối qua và sáng nay, nên nhiều chổ trũng nước và lầy lội, nhưng mọi người đều thản nhiên chấp nhận. Các lều, bạt lớn nhỏ căng khắp nơi trong khu thánh địa rộng lớn. Nhìn cảnh này khiến tôi nhớ đến những lần tham dự Đại hội Thánh Mẫu ở Missouri (Mỹ), cũng đông đảo lều, bạt và tấp nập người đi, nhưng có lẽ ở Missouri dầu sao điều kiện vật chất vẫn tốt hơn Ở La Vang số người tham dự nhiều hơn,( có lẽ đến mấy trăm ngàn người), dù phải trãi qua nhều gian khổ hơn, nhưng nếu so sánh với cảnh người tín hữu xưa bị ruồng bắt , sát hại, phải chạy vào nơi rừng thiêng nước độc, ốm đau, bệnh tật…thì những cái khổ “màn trời chiếu đất, mưa gió lầy lội” hôm nay thật chẳng đáng kể chi !
Đoàn chúng tôi kiếm tạm một chỗ tương đối khô ráo, trãi chiếu làm nơi tạm “cắm dùi”, bỏ balô, túi xách xuống, để một vài người ở lại trông chừng, rồi vội vàng đi tham dự các nghi lễ.
Khu đất trống rộng lớn phía sau nhà thờ cũ, được dùng làm nơi tập họp mọi người tham dự. Một khán đài rộng, dài được trang hoàng rực rỡ, phía trước là 27 lá cờ lớn phất phới tung bay (tượng trưng cho 26 giáo phận trên toàn quốc VN và một lá cờ đại diện cho đồng bào Công Giáo VN Hải ngoại). Tôi thầm nghĩ giáo hội Mẹ VN không bao giờ quên những đứa con xa xứ!
Trong buổi Đại lễ chào đón long trọng này, người được vổ tay hoan hô nồng nhiệt nhất, chính là đức Hồng Y Ivan Dias, tổng trưởng bộ Truyền Giáo, đại diện Đức Thánh Cha Benedictô XVI (không thể đến được).
Đức Hồng Y mở đấu bài nói chuyện của mình bắng một câu tiếng Việt khá sõi :
“Kính chào anh em rất thân mến!”
Cả quảng trường tở mở reo hò vổ tay vì cảm thấy Ngài gần gủi hơn !
Trong thông điệp nói với mọi người, ngài nhắc lại câu nói của ĐTC Benedictô 16:
“ Chúng tôi không xin đặc ân cho riêng mình, nhưng chỉ yêu cầu được thực thi tự do tôn giáo..”
Mọi người vui mừng vổ tay thật to, vì “Được lời như cởi tấm lòng”, ai cũng cảm thấy vi Cha chung đã thấu hiểu tình cảnh của con dân VN trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Ngài nêu ví dụ nhà nước và giáo hội như cha và mẹ , nếu sống thuận hòa thì con cái hạnh phúc hơn.
Ngài nhắc đến công ơn các vị Thừa Sai đã chấp nhận bao nhiêu gian khổ khó khăn, để đến gieo hạt giống Tin Mừng trên đất nước Việt Nam. Tổ tiên người Công Giáo VN cũng đã không phụ lòng các đấng Thừa Sai quyết giữ gìn đức tin, dù phải chịu bao nhiêu đàn áp, bắt bớ, tù dày, chém giết để hạt giống Tin Mừng nảy nở, phát triển. Trong hoàn cảnh đó, 117 vị Thánh Tử Đạo Việt Nam đã ra đời, làm chứng nhân cho Chúa và là niềm tự hào của người Công Giáo VN. Ngài cũng nhắc đền sự kiện Đức cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận sắp được phong chân phước.
Ngài ôn lại biến cố Đức Mẹ La Vang hiện ra cách đây 213 năm để an ủi, nâng đở tinh thần các giáo hữu bị bách hai phải chạy trốn vào nơi rừng sâu, núi độc, chịu đói rét, đau ốm, trăm bề thử thách…. Đức Mẹ đã hiện ra và phán: “Ta đã nghe lời các con kêu van. Từ nay hễ ai chạy đền nơi này, kêu khấn cùng ta, ta sẽ nhậm lời..”…
Kết thúc bài nói chuyện, Ngài lại nói một câu tiếng Việt: “Cám ơn anh chị em!”
Hàng tràng pháo tay ròn rã đã vang lên khắp thánh địa La Vang.
Đức Tổng giám mục Nguyễn văn Nhơn đại diện Hội đồng Giám mục VN gửi lời chào mừng tới các quan khách, các phái đoàn đại diện các tôn giáo bạn đến tham dự và mấy trăm ngàn tín hữu hiện diện, đại diện cho hơn 6 triêu giáo dân VN ở khắp 26 giáo phận và hải ngoại về đây tham dự sự kiện trọng đại đáng ghi nhớ này.
Tiếp đến là phần chúc mừng của Phó thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân đại diện cho Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban trung ương mặt trận tổ quốc..để chào mừng đại hội thành công mỹ mãn..Ông nhắc lại sự kiện Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã trả lại15 hécta đất để La Vang có thể mở rộng khu hành hương và sẽ xây dựng Đại Thành Đường La Vang, nơi được phong là Vương Cung Thánh Đường đầu tiên của Việt Nam ( nhà thờ cũ đã bị chiến tranh tàn phá nhưng vẫn còn di tích để lại phần tháp chuông cuối nhà thờ). Tôi thầm nghĩ : Trả lại đất mình đã tước đoạt cũng là một thành tích để khoe sao ?? Nhưng thôi dầu sao đó cũng là một thiện chí cần khuyến khích, khi chúng ta nhớ lại sự kiện Thái Hà ở Hà Nội.
Qua những ngày mưa gió, chiều nay là một buổi chiều đẹp, gió mát nhẹ nhàng như hòa với lòng người dịu êm, tề tựu về đây chung quanh bóng mát dịu dàng của Mẹ La Vang thân yêu để mừng kỷ niêm 550 năm hạt giống Tin Mừng được gieo rắc trên quê hương VN.
Một điệu múa nhẹ nhàng đầy tính dân tộc của các thiếu nữ VN trong chiếc áo dài xanh da tròi duyên dáng với vũ điệu nhịp nhàng, tung tăng với khăn lụa hồng và quạt vàng uyển chuyển trong vũ khúc Tạ Ơn càng làm tăng thêm phần màu sắc rực rỡ cho lễ hội (do dòng Mến Thánh Giá Huế phụ trách ) . Tiếp đó là màn múa trống rộn ràng với những âm thanh vang vọng cả núi rừng của các đòan trống nổi tiếng Thái Bình, Hà Nội đang hòa cùng niềm vui của con người và rừng núi linh địa La Vang để mở đầu nghi lễ làm phép tượng Đức Mẹ La Vang.
Sau đó mọi người hẹn nhau sẽ trở lại quảng trường lúc 7 giờ tối để tham gia đêm canh thức diễn nguyện. Trên đường về, tôi thấy các thiếu nhi thánh thể nắm tay nhau làm hàng rào danh dự để tiễn đưa quan khách và các phái đoàn. Tôi nhận thấy có đức cha Mai thanh Lương (OC ), dức cha Nguyễn Khảm , là những người tôi biết mặt, còn phần đông tôi không nhận ra các ngài . Các Đức hồng y đều có “lính hầu” che lọng trông rất oai nghiêm. Tôi thấy có rất nhiều đức cha trẻ, đặc biệt là các linh mục trẻ và các soeur trẻ rất nhiều. Đúng là giáo hội VN đang trẻ hóa Thật là điều đáng mừng vì ngày nay ở mọi ngành , mọi nơi đều mong muốn được trẻ hóa..Xe của Đức Hồng Y chủ tọa và các quan chức lớn là những người di sau cùng.
Rời buổi lễ chào đón, tôi vội vã đền nơi tượng đài Đức Mẹ La Vang với Cây Sồi, tương truyền đó chính là nơi khi xưa Đức Mẹ đã hiên ra. Cả rừng người đã bao quanh tượng đài Đức Mẹ. Có một ban trật tự đứng phía trong hàng rào bao quanh bàn thờ Đức Mẹ, không ai được vào bên trong, Các anh trật tự sẳn sàng đón nhận nước suối, Là Vằng, hoa , nến..của mọi người đem đặt dưới chân tượng đài Đức Mẹ hoặc tiền dâng cúng thì được bỏ vào trong một tủ sắt lớn có khóa cạnh đó. Lời kinh nguyện và tiếng hát nghe râm ran khắp nơi . Mọi người đọc kinh theo từng nhóm riêng của mình,hoặc cá nhân, nhưng tất cả đều một lòng sốt sắng cao độ.Vì chắc ai cũng có “những niềm riêng” chỉ để tâm tình với Đức Mẹ mà thôi! Trên đường trở ra khỏi khu khán đài Đức mẹ, tôi chợt nghe tiếng đọc kinh khác thường,( vì không phải tiếng VN ) của một nhóm người . Nhìn kỹ lại thì mới thấy đó là nhóm đồng bào sắc tộc từ miền rừng núi xa xôi Kontum, Pleiku, có người địu con trên lưng. Họ đã vượt bao khó khăn gian khổ để về đây tham dự hành hương Thế mới biết niềm tin tôn giáo là sức mạnh vô song, giúp con người khắc phục mọi trở ngại khó khăn để về đây với Mẹ La Vang.
Trở về nơi “cắm dùi” lúc nảy, thì thấy mọi thứ biến mất.? Tôi vội gọi ĐT cho chị trưởng đoàn thì mới biết đoàn đã dời vào bên trong, nơi có lều che do các soeur đã dành sằn cho đoàn. Mọi người đang ăn chiều để còn nghỉ ngơi chốc lát rồi trở lại tham dự đêm Canh Thức. Theo chương trình, xe sẽ chở đoàn ra nhà hàng ăn chiều, nhưng giờ chót chúng tôi đã quyết định: ăn cơm hộp tại chỗ cho tiện, để còn thời giờ cầu nguyện và tham dự các nghi lễ, cũng như buổi sáng, chúng tôi cũng đã hủy chương trình đi thăm Huế để trực chỉ La Vang càng sớm càng tốt. Nhà hàng vì muốn đảm bảo đúng như thực đơn đã đưa ra từ trước, nên mỗi phần ăn là 3 hộp với 4,5 món ăn, có cả túi canh cải, rồi nào là thịt luộc cuộn rau sống với măm tôm chua…Ôi đã “ở bụi” sao không “ăn bụi” luôn cho tiện, chỉ đơn giản một khúc bánh mì thịt, hoặc một hộp cơm với hai món mặn, xào là đử rồi ! Lích kích chi cho thêm phiền mà cũng chẳng thưởng thức được gì vì còn chưa tìm được chỗ để ngồi bệt xuống đất, bày hàng mà ăn ! Trong khuôn viên thánh địa, tôi thấy rất nhiều người bán cơm lưu động : nồi cơm cũng bốc khói nghi ngút, với các món kho, xào đầy đủ , rồi hàng bán xôi , bắp luôc, khoai luộc..v..v..phục vụ khách hành hương. Đúng là ở đâu có nhu cầu, là ở đó có người cung ứng. Nếu chúng ta biết đơn giản hóa mọi việc thì cuộc sống sẽ thoải mái hơn biết bao !
Tôi ăn vội vàng cho xong, rồi kiếm chỗ đặt lưng nghỉ ngơi một tí, vì suốt từ sáng sớm tới giờ, hết ngồi chờ ở phi trường, rồi ngồi máy bay, xuống máy bay, ngồi xe đò..liên miên tới tận bây giờ chưa được đặt lưng nghỉ ngơi. Ngoài ra còn một điều “khó thở” là ở chỗ đông người không khí đã ngộp, nhưng đứng đâu tôi vẫn ngữi thấy mùi thuốc lá! Tránh chỗ này, tới chỗ khác vẫn gặp cái mùi “tối kỵ” ấy ! nhưng đành phải “thông cảm” có lẽ vì thói quen không bỏ được, hoặc vì thời tiết lạnh nên các ông cần phải hút thuốc cho ấm chăng ? Âu cũng là cơ hội để học tập chấp nhận “ những điều trái ý mình” để tâm hồn được bình an tham dự hành hương cho sốt sắng. Cứ xem những điều không thoải mái về vật chất là những hy sinh nhỏ để dâng lên Mẹ La Vang vì Mẹ đã từng ban cho mình những ơn lành lớn lao hơn ! Thật vậy! với riêng tôi, Đức Mẹ La Vang rất linh thiêng, tôi luôn tin tưởng vào lời Mẹ hứa khi xưa hiện ra ở La Vang.
Sau khi nghỉ ngơi một chút, tôi lại hăng hái rủ bà bạn mới kết thân trong đoàn cùng nhau đi tham dự Đêm Canh Thức, vì đi sớm thì sẽ có chỗ tốt hơn. Trên đường đi, đâu đây vang vọng lời bài hát thánh ca quen thuộc :
“Tung hô Me Maria
Tung hô Me đầy ơn Phúc….
Con dân Việt nao nức
Kính chào Nữ Vương Hoà Bình..

Hành hương La Vang ( bài 2)

Đêm canh thức - Diễn nguyện
Chúng tôi đến sớm nên len lỏi lần lên gần với khán đài, rồi cứ “từng bước, từng bước thầm”, lúc lách trái, lúc quẹo phải giữa rừng người Cuối cùng chúng tôi đã đến được một vị trí khá tốt, lại đựơc ở gần chỗ các soeur phát nến, rồi may mắn lại mượn được một cái ghế từ các soeur!. Cám ơn Đức Mẹ đã thu xếp dùm, chứ chân tôi đau, đứng lâu mấy tiếng chắc không kham nỗi!
Mở đấu cho chương trình dẫn nguyện là những hồi trống, chiêng , cồng vang lên dồn dập của các nhóm đồng bào sắc tộc Tây Nguyên, của các đoàn trống nổi tiếng Thái Bình và Hà Nội ( đã từng được mời tham dự chương trình lễ hôi 1000 năm Thăng Long vừa rồi) Những âm thanh hào hùng của trống, chiêng cồng, vang động cả núi rừng La Vang, như thôi thúc mọi người mau nhanh chân đến với đêm diễn nguyện, đêm canh thức La Vang đặc biệt này.
Tiếp đến , trên khán đài diễn ra một vũ khúc đầy tính dân tộc với các cô gái áo dài khăn đóng thuộc dòng Mến thánh Gía Huế hòa cùng những bản hợp ca nhiều bè các bài thánh ca nỗi tiếng của các ca đoàn tổng hợp Sàigòn Huế Hà Nội hợp với các ca đoàn hải ngoại Cali & Newyork Tôi chưa từng bao giờ thấy một ban hợp ca vĩ đại gồm nhiều nguồn khác nhau đến thế, nhưng lại đứng chung với nhau dể cùng cất chung tiếng hát ngợi ca Thiên chúa và Mẹ Maria dưới sự điều khiển của các nhạc trưởng danh tiếng. Họ đã cống hiến cho mọi người thưởng thức những bản thánh ca tuyệt vời và trên hết là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, hòa hợp với nhau của những con cái Chúa, Mẹ từ khắp các phương trời tập họp về đây.
Chương trình diễn nguyện gồm 4 chương :
Chương 1 : Tin Tưởng cậy trông.
Mở đầu với bối cảnh 1798, các giáo dân bị bách hại khốc liệt ở miền Trung. Rừng Lá Vằng đã dang rộng đôi tay để che chở cho những đứa con khốn cùng đau ốm bệnh tật không còn chổ nương thân. Dưới cây đa cổ thụ, mọi người cùng sụp lạy, khấn xin Mẹ ra tay cứu giúp chở che trong cơn nguy nan khốn cùng ..Không phụ lòng khấn xin thống thiết và trông cậy mong đợi của mọi người Đức Mẹ đã hiện ra và phán : “Các con hãy vui lòng chấp nhận gian khổ, Ta đã nghe và nhậm lời các con kêu xin.Từ nay hễ ai chạy đền nơi đây khấn xin, Ta sẽ nhậm lời “ .
Các tín hữu đã lăn xuống đám cỏ dại và vào rừng hái Lá Vằng dùng để trị mọi bệnh tật
Hoạt cảnh này giúp chúng ta sống lại ký ức 213 năm về trước để thấu hiểu những gian nan khốn khó và tinh thần kiên cường giữ đạo của cha ông ta thời xưa mà tiếp bước tổ tiên
“Tin tưởng cậy trông” là sứ diệp La Vang qua mọi thời đại.
Chương 2 : Bừng sáng lên.
Pháo hoa nở rực trên khán đài chính và vương miện “Nữ Vương” của Đức Mẹ trên nóc khán đài chính, chợt bừng sáng lên huy hoàng rực rỡ trong bầu trời đêm. Nhiều chùm bong bóng đủ màu có gắn đèn hoa phía dưới, được thả lên bầu tròi đêm tạo nên một vẻ đẹp kỳ diệu của những vì sao lấp lánh như ánh sao Bêlem năm xưa. Ban nhạc cất lên bài hát Silen night để mở đầu cho chương tiếp theo.
Chương 3: Bêlem.
Khói sương mù bay tràn ngập khán đài mở đầu cho hoạt cảnh “Đêm đông lạnh lẽo”.
Cả rừng người hợp với ca đoàn đồng thanh hát bài “Đêm đông lạnh lẻo Chúa sinh ra đời”.
Trước đây, tôi nhớ nhà văn Trà Lũ đã viết bài “Xin cho chúng tôi được hát” thì hôm nay đây mời nhà văn Trà Lũ và mọi người hãy cùng nghe một bản hòa ca vĩ đại của cả mấy trăm ngàn người cùng hợp lòng cất tiếng hát bài thánh ca Noel quen thuộc và phổ biến nhất VN, vì dư âm Noel vẫn còn quanh quất đâu đây.
“Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời…
Nằm trong hang đá, nơi máng lừa….
Đàn hát, réo rắt tiếng hát
Xướng ca dư âm vang xa…”
Qủa là “réo rắt tiếng hát” và “dư âm vang xa” vào đến tận núi rừng bao la của cả một rừng người vừa giơ cao tay vừa hát với tất cả tấm lòng của mình.hòa với tiếng cồng chiêng vang vọng mạnh mẽ của đồng bào núi rừng Tây Nguyên Trên sân khấu đang diễn ra hoạt cảnh 3 vua đang đi tìm Chúa Hài Đồng.
 
Sau đó mọi người được mời gọi thắp nến, cả rừng nến lung linh trong đêm tối tạo nên một bức tranh vừa sống động, vừa linh thiêng.Trong bầu khí đó mọi người đưa nến lên cao và cùng nhau hát kinh Hòa Bình. Đó cũng là tâm tình yêu Hòa Bình như lời Chúa dạy của những người con dân Chúa.
Tiếp đến là phần chầu thánh thể, trong giờ chầu này, lâu lắm, tôi mới được nghe lại những bài hát Latin, mà lúc bé tôi đã được nghe thường xuyên nên thuộc nằm lòng. Đặc biệt những bài hát Latin này cũng được hát tập thể, chứ không chỉ riêng ca đoàn hát. Mùa lễ này giáo dân chúng tôi được hát để ca ngợi Chúa Mẹ nhiều hơn. Xin cám ơn ban tổ chức thật nhiều.
Chương 4: Ra khơi loan báo tin Mừng
Mọi người được mời gọi “ra đi” loan báo.
Tin Mừng, bằng chính cuộc “sống đạo” hằng ngày của mình qua cách chúng ta “ giữ đạo” ra sao?.
Tôi thầm nghĩ: ngày nay chúng ta “giữ đạo”, nhìn bề ngoài có vẽ dễ dàng hơn, vì không có ai bị bắt bớ, cầm tù..như xưa, nhưng muốn “giữ đạo” để loan báo Tin Mừng thực sự, thì qủa có nhiều khó khăn tinh tế, mà chỉ có chính chúng ta mới biết rõ hơn cả ! Như việc sống bác ái, thành thật, ngay thẳng, không gian tham…Nghe thì dễ, nhưng thực hành cho tốt, e hơi khó, vì mỗi lần có phân phát thứ gì, chúng ta luôn thích nhận phần nhiều hơn, đôi khi còn nhận dùm cho người quen hay bạn bè của ta dù họ không có mặt ( như lần phân phát CD kinh thánh 100 tuần của đức cha Khảm ở TTCG.) Bên cạnh đó chẳng phải cứ nhà nghèo mới gian tham, ngay cả các vị trí thức giàu có như bác sĩ có sống thành thật không tìm cách “câu bệnh” để “móc túi” bệnh nhân, hay tìm cách khai man để móc thêm tiền nhà nước.??.Luật sư có can đảm bênh vực và bảo vệ chân lý dù mình có chịu thiệt thòi hay chỉ theo luật “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”??. Thương gia có buôn bán làm ăn chân chính, không gian ngoan dối trá ( Mới Tết rồi nhà thờ tôi cha xứ phát cho mỗi người bao lì xì đỏ có thẻ qùa gọi ĐT về VN 30 phút miễn phí. Ai cũng háo hức, chen chúc để được nhận qùa, nhưng khi đem về xài ngay, thì công ty cho biết thẻ đã hết hạn rồi ???)
Trên lễ đài các ca đoàn tiếp tục cống hiến các bài thánh ca nỗi tiếng. Mọi người ra về, ngước nhìn lên bầu trời đêm để ngắm nhìn những ngọn đèn lấp lánh phía dưới các chùm bong bóng, trông như những vì sao rực rỡ trên bầu trời La Vang ! Ôi đêm linh thiêng huyền diệu vì mấy trăm ngàn tâm hồn đang sốt sắng hướng lòng về Mẹ La Vang thân yêu !
Chúng tôi theo đoàn người ra về, lại đến viếng đài Đức Mẹ La Vang, cũng vẫn tràn ngập người đến đọc kinh cầu nguyện. Có lẽ vì biết trước tâm tình cầu nguyện với Đức Mẹ của rất nhiều người nên ban tổ chức đã đặt tượng Đức Mẹ ở nhiều nơi khác nhau, nhưng nơi nào cũng đông nghẹt Thậm chí ngay cả trong lều nơi mọi người đến viếng Đức Mẹ và viết lời khấn hoặc xin lễ , rồi bỏ vào thùng thư cho Đức Mẹ. Giấy viết lời khấn và ý lễ, các soeur bỏ ra bao nhiêu cũng không đủ.! Khi tôi đến chỉ còn 2 tờ cuối cùng, một bà cụ gìa cầm lấy và chia lại cho tôi một tờ, rồi nhờ tôi viết dùm bà những ý khấn, toàn là những ý khấn dành cho con, cháu cụ! Đúng là tấm lòng bao la của một người bà, người mẹ VN, lúc nào cũng thương yêu, lo lắng cho con cháu. Nhưng có khi con cháu chẳng bao giờ biết đến để cám ơn, mà đôi khi lại còn bội bạc nữa1. Sau đó bà cụ lần vào mấy lớp áo trong, gỡ mấy lớp kim băng và moi ra một tờ giấy 500,000 $ để bỏ vào phong bì, rồi bỏ vào thùng thư. Tôi ngạc nhiên hỏi (vì 500,000 = 25 dollars là một số tiền lớn ở VN, nhất là đối với một bà cụ nom có vẽ nghèo khổ ở miền Bắc):
_ Sao cụ bỏ nhiều tiền thế ?
_ Tôi dành dụm lâu lắm, mới đổi được tờ này cho gọn, để dành bỏ vô đây để khấn và dâng cúng góp phấn nhỏ vào việc xây dựng Đại Thánh Đường La Vang. Tôi chẳng mong được trông thấy ngôi thánh đường khi xây xong, nhưng đời con, đời cháu tôi sẽ được nhìn thấy là tôi mãn nguyện rồi!
Thật đáng cảm kích thay tấm lòng của bà cụ đối với Đức Mẹ La Vang! Ở VN mấy cụ gìa làm gì có tiền nhà nước trợ cấp hằng tháng cho qúy cụ như ở Mỹ ! Đúng là đồng tiền của “bà góa” trong phúc âm đóng góp để xây dựng thánh đường La Vang ! Tiền của bà cụ sẽ là những viên gạch “đặc biệt”, những viên gạch “tinh thân” rất qúy để xây dưng thánh đường Đức Mẹ. Tôi tự nhủ mình có thể đóng góp nhiều hơn, nhưng nếu so với hoàn cảnh và tấm lòng của bà cụ, thì chắc mình thua xa! Giống như muốn biết gía trị một cuốn sách, người ta không thể chỉ nhìn ngoài bao bìa của cuốn sách!
Nhân dịp nói chuyện với bà cụ, người miền Bắc, tôi chợt nhớ thêm một chi tiết: khi nhìn những băng rôn treo ở trước các xe đò đi hành hương Tôi thấy đa phần là đi từ miền Bắc: Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Lạng sơn, Hà Nội…Người ta bảo dân miền Bắc có vẽ sùng kình Đức Mẹ La Vang hơn là dân miền Nam ? (dù La Vang thuộc về đất miền Nam) Tôi không biết thực hư thế nào ? nhưng trên thực tế tôi gặp rất nhiều dân Bắc ở đây! Không phải tôi muốn nói đến chuyện phân biệt Bắc Nam về địa lý, nhưng vấn đề là khi người ta cực khổ vất vả hơn thì người ta siêng chạy đến với Đức Mẹ nhiều hơn! Còn khi ta no cơm ấm áo rồi thì ta lại lười chạy đến với Đức Mẹ, vì ta có gì cần để cầu xin nữa đâu ?
Não trạng này thường hay gặp ở mỗi người chúng ta. Khi nào gặp khó khăn, ốm đau, nguy biến ta mới siêng chạy đến với Chúa và Đức Mẹ, còn khi chúng ta bình an, thành công..chúng ta quên Chúa và Đức Mẹ. Hành động như vây, vô tình chúng ta đã biến Chúa và Đức Mẹ thành cái “nhà kho” để khi nào cần chúng ta chạy đến ‘xin”, chứ ta không đến với Đức Mẹ theo tâm tình, trò chuyện của người con thảo đối với Mẹ hiền.:
“ Mẹ con thở than thiết tha nỗi vui hoặc nỗi buồn lòng con được thảnh thơi …”
Vì cầu nguyện là đối thoại, chúng ta “nói” xong thì phải biết thinh lặng, để nghe Mẹ “nói” hoặc bắt chước Mẹ qua cuộc đời “Xin vâng” của Mẹ.:
“Mẹ ơi đường đi trăm ngàn nguy khó,
hiểm nguy dâng tràn đây đó,
xin mẹ dạy con hai tiếng xin vâng..”
thay vì bất mãn, nản lòng khi không được như ý ta xin!
Nếu xét về mặt này thì vô số chúng ta đều là “lũ con bất hiếu”, nhưng lòng Mẹ bao dung, chẳng chấp “dầy đức nhân hậu, khoan hồng” Tuy vậy, không phải vì thế mà chúng ta không lo sửa đổi não trạng và tâm tình của chúng ta đối với Đức Mẹ cho xứng đáng là những người con thảo.
Trên đường về lại lều của mình, tôi thấy lều, chỏng giăng mắc khắp nơi, người nằm la liệt trên những “ poncho”, chiếu, tấm bạt..Đã hơn 12 giờ khuya rồi nhưng tiếng đọc kinh cầu nguyện vẫn râm ran đó đây! Đúng là “Đêm không ngủ” với đúng nghĩa của nó!
Tôi trở về lều tìm một chổ nhỏ để ngả lưng, gối đầu trên chiếc túi xách, nằm co ro trong chiếc mền mỏng đem theo để đắp lên cho đỡ lạnh, vì gió đêm bắt đầu mang hơi lạnh tới. Thực tế này khiến tôi cảm thông hơn với những người không nhà, không cửa, phải ngủ đầu đường, xó chợ, nhất là trong những đêm đông gió lạnh!. Tôi chợt ý thức rằng mình phải biết cám ơn Chúa ,Mẹ nhiều hơn về những gì mình đang có, phải vui lên để tạ ơn và chia xẻ nhiều hơn với những người đang khốn khó thay vì than thở, ưu phiền, lo lắng..”vì chuyện ngày mai hãy để ngày mai lo”.
Sự mệt mỏi sau một ngày vượt bao nhiêu đường xa…để tới được đây, đã giúp đưa tôi vào giấc ngủ khá nhanh. Trong mơ, tôi thấy mình gặp Đức Mẹ La Vang, chợt nhớ lại lời hứa của Đức Mẹ:
“..Từ nay hễ ai chạy đến nơi này kêu khấn cùng ta, ta sẽ nhậm lời .”
Tôi vội vàng thưa:
“Xin Mẹ ghé mắt thương ban cho nước VN mau thoát nguy nan,
tìm thấy đời sống an vui hạnh phúc, ấm no..”
Mẹ mỉm cười gật đầu, và nụ cười đó đã ở lại với tôi trong giấc mơ tràn đầy niềm tin và hy vọng cho một tương lai tươi sáng của đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Hành Hương La Vang 3


ĐẠI LỄ BẾ MẠC NĂM THÁNH 2010
 
 
Từ tờ mờ sáng tiếng chuông nhà thờ đã lảnh lót reo vang, đánh thức mọi người dậy để chuẩn bị tham dự phần nghi lễ quan trọng nhất: Đại Lễ Bế Mạc Năm Thánh 2010.
 
Tiếng chuông nhà thờ ngân vang trong sương sớm đã đánh thức những kỷ niệm thời thơ ấu trong tôi:Ngày xưa mỗi sáng sớm lúc 5 giờ khi nghe tiếng chuông hiệp nhất, má tôi đánh thức hai chị em tôi dậy để chuẩn bị đi lễ Misa cho kịp đến nhà thờ lúc chuông hiệp 2, thánh lễ bắt đầu. Lúc bấy giờ hai chị em tôi còn rất nhỏ, nhưng má tôi đã rèn thành thói quen, mỗi sáng sớm đều thức dậy đi lễ Misa. Nhiều hôm buồn ngủ qúa, hai chị em tôi vừa đi,vừa mặc áo dài, vừa ngủ, chân nam đá chân bắc nhưng theo quán tính và thói quen, men theo những con hẽm ngoằn ngoèo, băng qua mấy con đường lớn, rồi chị em tôi cũng đến được nhà thờ kịp giờ lễ . Dù muốn hay không, chị em tôi cũng phải vâng lời ba má vì: “con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Ngày nay thì hoàn toàn khác, đừng nói đến việc dậy sớm đi lễ mỗi ngày. Nhiều phụ huynh ở Mỹ than phiền việc con cái bỏ lễ ngày chúa nhật ! Nhưng nói chúng không nghe, biết làm sao đây ? Nhiều khi các cha giải tội nghe các bà kể khổ và lo lắng nhiều qúa, bèn phải an ủi:”Chúng trên 18 tuổi rồi, chúng phải chịu trách nhiệm về hành vi của chúng, các bà đừng lo lắng nữa, cứ giao chúng nó cho Chúa lo..” Truớc đây tôi hay thắc mắc: sao cứ đến dịp lễ lớn, như Giáng sinh, Phục sinh nhà thờ lại đông nghẹt người đến dự lể hơn lúc thường rất nhiều ? thì ra có những người chỉ đi lễ “xuân thu nhị kỳ”, nghĩa là một năm, chỉ đi lễ vài lần vào dip lễ lớn mà thôi ! Vì thế ở Âu châu, nhà thờ bị rao bán rất nhiều, vì chúa nhật nhà thờ chỉ còn lèo tèo vài giáo dân tới dụ lễ. Thật đáng buồn cho tình hình đạo đức mỗi ngày một đi xuống! Trong khi thiên tai càng ngày càng tăng lên ở khắp nơi Theo thống kê năm 2010, những trận động đất kinh hoàng, những cơn bão lụt chưa từng thấy, những trận cháy rừng khủng khiếp.,,trên thế giới đã chiếm những kỷ lục mới, chưa từng có hằng trăm năm nay. Đó phải chăng là dấu hiệu cho biết sắp tới ngày Chúa phải ra tay uy quyền của Ngài chăng?
Tôi thức dậy, lo vệ sinh cá nhân rồi xếp đồ đạc gọn gàng bỏ vào túi xách,.xong ra nhà thờ Một số người vẫn còn ngủ, nhưng đa số đã thức dậy đang đọc kinh cầu nguyện. May qúa, tôi gặp môt linh mục ở đó, nên xin cha làm phép giải tội..Sau đó tôi ra đài Đức Mẹ, thấy đã đông kín người ở đó đang tâm tình cầu nguyện buổi sáng với Đức Mẹ. Loa phóng thanh đang thông báo chương trình nghi lễ chính thức bế mạc Năm Thánh 2010 và lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Đại Vương Cung Thánh Đường Quốc Gia La Vang hôm nay.
Một buổi sáng êm ả, hiền hòa.mát dịu. ánh mặt trời bắt đầu tỏa sáng nơi nơi, hòa cùng dòng người mỗi lúc mỗi đông đổ về quảng trường để chính thức làm lễ bế mạc năm thánh 2010
Các phái đoàn đại biểu lần lượt lên lễ đài gồm có:
- Đoàn đại biểu Thái Lan, với lễ phục truyền thống Thái Lan
- Ông bà Tổng lảnh sự Mỹ
- Phái đoàn đại diện các tôn giáo bạn
- Đức tổng giám mục chủ tịch hội đồng giám mục Úc Châu
- Phái đoàn đại diện các quốc gia: Pháp, Lào, Campuchia, Hàn quốc, Malaysia, Philippine…
Bên cánh phải của lễ đài , các ca đoàn Sàigòn,Huế Hà Nội và Hải ngoại đã tụ họp đầy đủ. Ai cũng mặc quốc phục truyền thống, áo dài khăn đóng. Dàn nhạc dân tộc với các loại đàn Tỳ bà, đàn tranh, đàn lục huyền cầm, đàn gáo..sẳn sàng réo rắt cung đàn.
Các đoàn trống Thái Bình, Hà Nội cũng đã sẳn sàng nơi vị trí riêng của mình. Có những chiếc trống to hơn 3 m đường kính (xe cần cẩu cở lớn chỉ chở được môt cái). Các tay trống cũng đều có lễ phục riêng theo đoàn trống của mình..Tất cả tạo nên những màu sắc phong phú nổi bật của ngày lễ hội lớn. Đó là chưa kể đến màu sắc “núi rừng” qua các y phục đặc biệt của đoàn cồng chiêng Tây Nguyên.
Trong không khí tưng bừng lễ hội ấy, lòng tôi cũng nao nức như hằng mấy trăn ngàn tín hữu khác chờ đợi giờ khai mạc đại lễ hôm nay.
Đức cha phó chủ tịch hội đồng giám mục VN, trân trọng lần lượt giới thiệu các thành phần dân chúa về tham dự:
- Đức Tổng giám mục Hà Nội (đại diện 10 giáo phận miền Bắc)
- Đức Tổng giám mục Huế, trưởng ban tổ chức.đại diện 6 giáo phận miền Trung
- Phái đoàn Đức cha đại diện cho 10 giáo phận miền Nam (giờ chót Đức hồng y Mẫn không đến được)
- Đức cha Mai Thanh Lương, đại diện cho cộng đồng Công Giáo VN hải ngoại
- Các đấng Viện phụ và Bề trên các dòng tu nam, nữ
- Rất nhiều Đức cha và hằng ngàn các linh mục từ khắp các giáo phận trong nước và hải ngoại về đồng tế.
Đức cha Hoàng văn Đạt, tổng thư ký Hội Đồng Giám mục VN, trân trọng đọc bản văn của Đức Thánh Cha Bêneđictô 16 bổ nhiệm “Đăc sứ” Đức hồng Y Ivan Dias, Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo, đại diện Ngài tham dự và chủ tọa đại lễ, vì Ngài không thể đích thân tham dự tại Đền thánh Quốc Gia La Vang được.
Sau đó Đức Hồng Y chủ tế đã ngỏ lời cùng toàn thể dân chúa có mặt với lời chào bằng tiếng Việt:
“Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô”
Cả quảng trường vang rộn tiếng vổ tay nồng nhiệt.
Tôi đem đến cho anh chị em lời chào thăm và lời chúc phúc từ Đức Thánh Cha ở Toà Thánh Vatican. Đức Thánh Cha cũng gửi lời chúc mừng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tổ chức thành công đại lễ Tạ Ơn và Bế Mạc Năm Thánh:
- 24/11/09 : khai mạc ở Sở Kiện Hà Nội ( nhắc tới sự kiện này khiến tôi nhớ tới Đức Tổng Giám Mục Ngô quang Kiệt là người đã chủ tọa lễ khai mạc này, vì bảo vệ chân lý và bảo vệ đoàn chiên, ngài đã phải “ra đi” ?Xin mọi người hãy nhớ cầu nguyện cho Ngài, vị chủ chăn đáng kính, đáng yêu!)
- Đại hội Dân chúa 20/11/10 ở Sàigòn
Đức Hồng Y cũng sơ lược những mốc điểm quan trọng mà Giáo Hội VN cần ghi nhớ : 350 năm thành lập hai giáo phận Tông Toà đàng trong và đàng ngoài. 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm VN.
Ngài nhắc nhở 6 triệu ½ giáo dân trên toàn đất nước VN nghĩ gì về tỷ lệ 94% người Việt chưa biết Chúa ? Đó là trách nhiệm của cộng đồng, của cá nhân trong việc sống đạo thế nào để loan báo Tin Mừng của Chúa.
Để kết thúc, Ngài đọc lời nguyện bằng tiếng Việt:
“ Lạy Đức Mẹ La Vang, xin cầu Chúa chúc lành cho chúng con”.
Ngoài ra Đức Thánh Cha cũng gửi tặng Chén Thánh đặc biệt cho Thánh Đường Quốc Gia La Vang và Chén Thánh đó sẽ được dùng trong Thánh Lễ đặc biệt hôm nay vì cũng là Thánh Lễ đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng Thánh Đường của Đức Mẹ.
Nhân dịp nghe Đức Hồng y chủ tọa nhắc nhở về tinh thần trách nhiệm trong vụ truyền giáo ở VN khiến tôi giật mình khi nhớ lại chuyện xưa: Má tôi là người tốt hay thương người , hay giúp đở người khác, đặc biệt là những người ngoại đạo. Sau một thời gian giúp đỡ họ, bà liền rủ rê họ theo đạo, gửi họ đi học giáo lý..Ngày họ rửa tội trở lại đạo là ngày bà vui mừng nhất. Bà thường nói với tôi: “Đem môt linh hồn ngoại đạo về với Chúa là cả thiên đàng vui mừng”.Bà miệt mài trong công tác ‘truyền giáo” kiểu này nên con đỡ đầu của bà tùm lum..Rồi sau nhiều năm trôi dạt, họ sống đạo ra sao bà cũng không rõ!. Tôi để ý thấy, họ chỉ theo đạo, rửa tội cho bà vui lòng, sau một thời gian “đâu lại vào đấy”.
 
 
Tôi thì không cùng quan điểm với má tôi,tuy tôi cũng thích giúp đỡ người khác. Khi đi dạy, tôi không chỉ giúp đỡ các em học sinh lớp tôi mà cả lớp khác, nếu tôi thấy hoàn cảnh khó khăn tôi vẫn giúp, chỉ vì “thấy cầm lòng không đặng” chứ không hề có “hậu ý” như má tôi.! Thậm chí có trường hợp đặc biệt: Có một em nữ sinh vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, má em bắt em bỏ học, ở nhà đi làm kiếm tiền giúp gia đình khi em đang học giữa năm lớp 11. Em báo tin cho tôi và khóc vì em rất ham học. Tôi thấy em thông minh và học tốt, bỏ học ½ chừng như vậy thì uổng quá và tội nghiệp cho em.! Tôi quyết định đến nhà gặp má em để năn nỉ cho em được tiếp tục đi học đến xong lớp 12. Tôi chấp nhận mọi chi phí và điều kiện má em đưa ra để em được tiếp tục đến trường.
Từ đó em gắn bó thân tình với tôi như người thân trong nhà. Em cảm nhận tôi thương và lo cho em nhiều hơn là má em! Rồi lần lần em đòi đi học đạo, theo đạo giống cô và ước mong cô sẽ là mẹ đỡ đầu của em! Nhưng tôi từ chối. vì tôi biết lúc này em đang trong trạng thái “cảm xúc đặc biệt” Tôi không muốn em theo đạo kiểu “ăn xổi” như vậy sẽ không bền lâu!. Kiểu mấy ông vì lấy vợ phải theo đạo để rồi “Tôi lấy được vơ ,tôi thôi nhà thờ”.
Câu chuyện đến tai má tôi, tôi bị má tôi la rầy và sai cô em tôi ‘nhảy vào”giúp đỡ, giới thiệu cho em đi học đạo, rồi rửa tội và làm mẹ đở đầu cho em. Ngày lễ Phục sinh, em rửa tội, tôi cũng tham dự thánh lễ và cầu nguyện cho em nhiều!
Thời gian dần trôi đã xác minh suy nghĩ của tôi, em chỉ giữ đạo ít năm rồi thôi. Dòng đời trôi dạt đưa đẩy em xa tôi, bây giờ em đã có chồng con, hiện em vẫn còn giữ liên lạc với tôi, nhưng chuyện em “có đạo” đã trở thành một kỷ niệm xưa!
Tôi không thích kiểu “truyền giáo” rữa tội đếm đầu người của má tôi. Tôi chỉ cố gắng sống tốt và giúp đỡ mọi người trong hoàn cảnh và khả năng có thể của mình. Tôi không hề rủ rê ai theo đạo bao giờ, kể cả học trò và bạn thân nhất của tôi. Mỗi người đều có niềm tin riêng của mình và tôi tôn trọng niềm tin của họ, như họ đã tôn trọng niềm tin của tôi. Thời nay chuyện lấy vợ, lấy chồng giáo hội cũng không còn buộc phải theo đạo như xưa, huống hồ là…( dù tôi vẫn quan niệm vợ chồng nên cùng một niềm tin thì sẽ tốt hơn rất nhiều).
Trong vụ truyền giáo này, tôi không hiểu má tôi đúng hay tôi sai ở điểm nào ??Tôi xin chia xẻ những cảm nghĩ chân thật của mình, kính mong được quý cha hoặc các bậc thức gỉa giúp ý kiến cho. Xin thành thật cám ơn ! Vì qủa tình là tôi hơi giật mình và áy náy khi nghe Đức Hồng y chủ toạ nói đến trách nhiệm của cộng đoàn, của cá nhân trước tỷ lệ 94% người VN chưa biết Chúa!
Mãi miên man suy nghĩ về lời nhắc nhở của Đức Hồng y, bỗng tiếng hát Latin của cả quảng trường trong bài “ Kinh thương xót” đã kéo tôi trở về với thực tại. Lâu lắm rồi tôi mới lại được nghe và hát lại những bài hát Latin quen thuộc từ tấm bé, mà cha hướng dẫn chương trình đã cho biết đó là những bài hát Latin đã được sử dụng phổ biến trước Cộng Đồng Vaticanô 2.. Hát lại một số bài hát Latin quen thuộc cũng là một cách nối sợi dây linh thiêng giữa quá khứ và hiện tại.
Phần dâng lễ, tôi thấy một đoàn các thiếu nhi nam nữ mặc quốc phục VN và các sắc tộc mang các lễ vật đặc sản của mọi miền đất nước, tiến dâng lên bàn thờ tượng trưng cho tâm tình của toàn con dân nước Việt khắp nơi trên đất nước dâng lên cho Chúa.
Trời bắt đầu mưa lất phất, nhưng mọi người vẫn đứng yên tại chỗ và mọi nghi lễ vẫn tiếp tục tiến hành. Đến phần rước lễ, các linh mục đựợc ban hướng dẫn mặc sắc phục lính thú đời xưa, có lọng che đầu đi kèm, tỏa ra khắp nơi. Tôi thấy có cha Bill Cao của giáo xứ La Vang (O.C.), nghe nói ngài mang Đức Mẹ La Vang từ giáo xứ của ngài ở Mỹ về linh địa La Vang, để hiệp thông,và làm phép bởi đức hồng y và các đức cha, rồi ngài lại “thỉnh” Đức Mẹ trở lại Mỹ.
Những tiếng trống, tiếng chiêng cồng vang dội khắp cả không gian rộng lớn làm háo hức thêm không khí lễ hội, dù trời đã bắt đầu mưa nặng hạt. Tôi đã đem dù theo để phòng hờ trời mưa vì nghe nói mưa Huế rất dai và lạnh, nhưng sáng nay thấy trời đẹp nên tôi đã bỏ dù lại trong lều. Thật là khó đoán được tính nết của cô nàng “thời tiết! Bây giờ để trả giá cho việc làm “thầy bói” thời tiết trật lất, tôi phải đứng trân mình chịu ướt để cùng “hiệp thông” với bao nhiêu người khác cùng chấp nhận chịu ướt để giữ cho Thánh lễ đại trào được tiếp tục diễn ra trong bầu không khí trang nghiêm! Thôi cứ xem như mưa là Hồng ân của Chúa đang “tưới xuống chan hòa”…Trong cuộc sống cũng thế: chuyện vui, buồn; may mắn, rủi ro; như ý, trái ý luôn xảy ra. Tôi luôn tập chấp nhận mọi hoàn cảnh và tìm ra điểm tích cưc nhất của nó, hoặc tư động viên mình : “rồi mọi việc sẽ qua”.
Kết lễ, 27 cô gái VN trong trang phục áo dài xanh khăn đóng, đại diện cho 26 giáo phận trong nước và Cộng đồng Công giáo VN hải ngoại, tay cầm từng chùm bong bóng đủ sắc màu, lần lượt thả lên không trung để mở đầu nghi lễ: Đức Hồng Y chủ tế sẽ làm phép viên đá nền tảng cho việc khởi công xây dựng Vương Cung Thánh Đường Quốc Gia La Vang và tấm bia lưu niệm những mốc điểm quan trọng của lịch sử của Giáo Hội Việt Nam.
Mọi người được mời gọi đóng góp cho công trình vĩ đại chung của Người Công Giáo Việt Nam: xây dựng Linh Địa La Vang thành một Trung Tâm Hành Hương lớn nhất VN và có thể là lớn nhất châu Á. Ngôi thánh đường của Đức Mẹ hoàn thành nhanh hay chậm là tùy vào lòng hảo tâm và công sức đóng góp quảng đại của con cái Đức Mẹ trên cả nước và đặc biệt là ở Hải Ngoại. Hy vọng các vị có trách nhiệm trong Cộng Đồng Công Giáo VN hải ngoại sẽ có sáng kiến để kêu gọi sự đóng góp từ mỗi giáo xứ VN trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Mỹ. Tôi tin tưởng tấm lòng đối với Đức Mẹ của người Công Giáo VN, lúc nào cũng đều có sẳn, chỉ chờ cơ hội thuận tiện để đóng góp mà thôi. Nói tới đây tôi lại nhớ tới sự đóng góp “quảng đại”với đồng tiền”bà goá” của bà cụ nghèo khổ tối qua trong việc xây dựng thánh đường Đức Mẹ La Vang. Nếu giáo dân Việt Nam ở khắp nơi, ai cũng có lòng hào phóng với Đức Mẹ như bà cụ, thì chẳng mấy chốc chúng ta sẽ có một công trình vĩ đại ở Linh địa La Vang để dâng kính Đức Mẹ. Công trình đó sẽ là niềm tự hào lớn lao của Giáo Hội Công Giáo VN nói riêng và của người Công Giáo VN trên toàn thế giới, nói chung. Hãy “rộng tay” với Đức Mẹ, rồi Đức Mẹ sẽ trả công bội hậu cho chúng ta và con cháu chúng ta.
Nghe nói ở Bình Dương, người ta mới hoàn thành một công trình Văn hóa vĩ đại rất quy mô mang tên “Đại Nam Văn Hiến”. Đó là công trình của một cá nhân hay của một tập thể nhỏ! Trong khi chúng ta gần 7 triệu người Công Giáo khắp nơi trên thế giới, chẳng lẽ chúng ta không thể đồng lòng góp công góp của để hòan thành môt công trình để đời cho con cháu chúng ta và để xứng đáng với lòng ưu ái của Đức Mẹ đối với dân tộc Việt Nam.!
Hy vọng một ngày không xa, chúng ta sẽ vui mừng và tự hào tụ họp về đây dự lễ khánh thành công trình Linh Địa La Vang, với ngôi Thánh Đường mang tầm vóc quốc tế để dâng kính Mẹ La Vang thân yêu của chúng ta.
Tan lễ, dòng người tuôn ra như nước chảy khi trời bắt đầu đổ mưa tầm tả. Các soeur có lẽ cũng dự đoán thời tiết mưa ở đây, nên đã đem từng thùng áo mưa (loại mỏng mặc một lần) ra phát cho mọi người, có người chê áo mưa “dỏm”, nhưng đối với tôi nó vẫn qúy vì có nó lúc này cũng đỡ ướt biết bao! Xin cám ơn sự chu đáo của các soeur! Trong cuộc đời, có những lúc sự giúp đỡ nhỏ nhoi nhưng thật cần thiết:. một lời thăm hỏi ân cần khi ta đang buồn phiền, một bàn tay nâng đỡ đưa ra khi ta vấp ngã, một sự chia xẻ khi ta đang hoạn nạn..đều rất đáng qúy! Tôi nhớ cách đây vài năm, tôi tham gia chuyến du lịch 4 ngày Nha Trang Đà Lạt do trường các soeur tổ chức. Ngày cuối cùng trên đường về gần tới khu Long Khánh, bác tài chạy hơi nhanh,( vì chạy theo quy định 40km/giờ, thì xe chạy “rù rù”), nên bị công an giao thông bắn tốc độ phạt. đến 1triệu 2 và giữ bằng lái. Mọi người ai cũng tiu ngĩu, buồn bả nhất là bác tài, chuyến này về chắc vợ con nhịn đói!. Tôi thấy trắc ẩn, nên đề nghị với soeur, mình quyên góp mọi người trên xe để chia xẻ với bác tài, nhưng soeur từ chối vì không phải trách nhiệm của mình, rồi soeur nói “nếu cô muốn cô tự làm đi”,. Thế là tôi phải đứng lên kêu gọi mọi người:
“Mấy hôm nay bác tài đưa chúng ta đi chơi khắp nơi ,đồng hành với chúng ta. Nay bác bị phạt qúa nặng, chẳng lẽ chúng ta đành lòng nhắm mắt làm ngơ? nên xin mọi người tùy lòng hảo tâm, “của ít lòng nhiều”, “góp gió thành bảo” Xin vui lòng tự nguyện đóng góp để chia xẻ với bác tài, hầu bày tỏ tình người liên đới”.
Nói rồi tôi lấy một túi nylon và tự nguyện bỏ tiền vô trước, chiếc túi được chuyền lần lượt tới mọi người trên xe.Cuối cùng tổng kết lại đượcgần 1 triệu, tôi xin làm tròn con số cho chẳn. Khi chúng tôi đưa tiền cho bác tài, bác rất cảm động nói:
“Đây là lần đầu tiên trong đời tôi nhận được sư chia xẻ kiểu này. Số tiền này đối với tôi rất qúy, nhưng tấm lòng của các cô còn qúy hơn!. Tôi xin hết lòng cám ơn và xin hứa sẽ học bài học chia xẻ của các cô, từ nay nếu gặp ai hoạn nạn khó khăn, tôi sẽ hết lòng giúp đỡ họ”.
Sau đó bầu khí trên xe nhẹ nhàng hơn, mọi người vui vì đã làm được điều tốt dù nhỏ nhoi, bác tài vui vì đã nhận được sự chia xẻ và tình người ấm áp…
Nhìn lại thực tại, ôi mưa vẫn tiếp tục rơi càng lúc càng to! Chúng tôi phải đội mưa, lội bộ ra điểm hẹn để đợi xe đến đón đi ăn trưa, nhưng đợi cả mấy tiếng đồng hồ,.đến khi hết kẹt xe, đường đã thông thoáng vẫn chẳng thấy xe mình đâu?? Mọi người bắt đầu mất kiên nhẫn, vì vừa đói bụng, vừa mệt, lại trong trạng thái nhấp nhỏm ngóng đợi vì không biết lúc nào xe đến? Những lời nói than phiền, trách móc được đưa ra..không kềm giữ được! Qủa là bài học về “nhẫn nhịn” xem ra khó thuộc lắm thay! Bởi thế mới biết tập được một đức tính tốt không phải là điều dễ dàng chút nào, nhiều khi cứ phải tiếp tục rèn luyện mãi, rồi lại phải tự “kiểm điểm” mình sau mỗi lần “thất bại” để rút kinh nghiệm, cố gắng hơn lần sau… Cuối cùng thì xe cũng đến, mọi người thở ra nhẹ nhỏm...
Tối đó đa số đều ngủ rất ngon, vì sau một ngày dài chờ đợi mệt mỏi, sau đó được ăn ngon tới 2 bữa gần như liên tiếp( trưa và chiều), được tắm rửa thoải mái, rồi được ngủ nệm ấm, chăn êm…Có những điều trong cuộc sống, ta được hưởng mỗi ngày, riết ta quen.. thấy không qúy! nhưng khi bị mất đi, rồi được có trở lại ta mới thấy nó qúy!
Sáng hôm sau thức dậy, ai nấy trông cũng tươi tắn, khỏe khoắn sẳn sàng cho một cuộc du ngoạn viếng động Phong Nha (Quảng Bình), một thắng cảnh hang động nỗi tiếng của V.N.. Đây là thời điểm chúng tôi được thư giản, vui chơi và thưởng ngoạn phong cảnh đẹp thiên nhiên. Thực ra cầu nguyện sốt sắng là điều quan trọng, nhưng du lịch vui chơi,thư giản cũng rất cần thiết cho tâm hồn con người Nó giúp ta giải tỏa stress, thêm niềm vui, và sự hăng hái khi ta trở lại với cuộc sống. Điều này thì tôi rất tâm đắc, nên tôi luôn thích đi đây, đi đó thưởng ngoạn thiên nhiên, khám phá những nét văn hóa khác biệt của con người ở khắp nơi vì nó rất thú vị! Ngoài ra nó còn giúp ta mở rộng tầm nhìn, cởi mở tâm hồn, dễ đến với mọi người. Bằng cớ là từ ngày đầu đi hành hương đến hôm nay chúng tôi mới có dịp trò chuyên vui vẻ và biết rõ về nhau nhiều hơn. Chúng tôi chụp hình dùm nhau, mời nhau củ khoai Từ còn nóng hổi vừa thổi vừa ăn. Chúng tôi quan tâm đến nhau, nhắc nhở nhau cẩn thận khi đi vào những hang động thiếu ánh sáng, tình thân có cơ hội phát triển. Khung cảnh hang động thiên nhiên tuyệt đẹp giúp chúng tôi cảm nhận rõ hơn kỳ công tuyệt vời do bàn tay Chúa tạo dựng nên cho con người.
Khi lên lại thuyền, để tạo hứng thú và linh động cho cuộc đi chơi, cha Linh hướng đề nghị thi đua hát xem đội nào thắng, chúng tôi đi 2 thuyền.cùng cất vang tiếng hát các bài thánh ca, âm thanh vang vọng trong các hang động.ngợi ca Chúa Mẹ., nghe thật tuyệt! Sau này lên xe, chúng tôi có 2 đội ở 2 dãy ghế 2 bên, mọi người càng lúc càng hào hứng tham gia tích cực. Các bài hát thánh ca về Chúa Mẹ, về sau là cả các bài hát tình ca từ thuở xa xưa, được mọi người tận dụng trí nhớ để moi ra cho hết, hầu đội mình khỏi bị thua!. Bầu khí thật vui nhộn và sinh động khiến mọi người “xích lại” gần nhau hơn!. Đội chúng tôi có cha Linh hướng làm đội trưởng nên có phần trội hơn vì cha không những biết nhiều bài thánh ca, mà cả tình ca, cha cũng biết nhiều luôn! Cha kiêm luôn “trọng tài” nhưng cha luôn xử rất công bằng và không hề thiên vị đội nào cả!.Cha thật là “đa năng, đa tài”! Khi đội chúng tôi nhận giải thắng cuộc, cha đã “chơi đẹp”, chia kẹo cho đội thua trước, rồi mới tới đội nhà, nên dù thắng hay thua mọi người cùng được thưởng như nhau nên cả làng cùng vui vẻ.
Lâu lắm tôi mới có một chuyến hành hương: đạo đức sốt sắng rất nhiều, gian khổ không thiếu nhưng đầy vui vẻ và hào hứng! Xin cám ơn cha Linh hướng và ban tổ chức. Hy vọng sẽ gặp lại mọi người trong chuyến hành hương khánh thành Thánh Đường Đức Mẹ La Vang sau này!
Lạy Đức Mẹ La Vang xin cầu Chúa, chúc lành cho ước nguyện của chúng con. Amen!

No comments:

Post a Comment