Ca Đoàn Augustino

Wednesday, January 22, 2014

Huấn Dụ của ĐTC Phanxicô về Hiệp Nhất Kitô Giáo

Dưới đây là bản dịch bài huấn dụ ĐTC Phanxicô ban hành ngày 22 tháng 1 năm 2014 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC nói về cầu nguyện cho sự Hiệp Nhất Kitô Giáo.

Thật là tốt đẹp khi nhận ra ân sủng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, và hơn nữa, tìm thấy trong những Kitô hữu khác một điều gì đó chúng ta cần, một điều gì đó chúng ta có thể nhận được như một món quà từ anh em chị em mình.”

* * *
Anh chị em thân mến, chào anh chị em.
Tuần Lễ Cầu Nguyện cho sự Hiệp Nhất Kitô Giáo bắt đầu hôm thứ bảy tuần trước, và sẽ kết thúc vào thứ bảy tới, ngày Lễ Thánh Phaolô Tông Đồ Trở Lại. Sáng kiến tinh thần và rất qu‎ý ‎giá này liên quan đến cộng đồng Kitô hữu hơn một trăm năm qua. Đó là một thời gian dành riêng để cầu nguyện cho sự hiệp nhất của tất cả những người đã được Rửa Tội, theo ý muốn của Đức Kitô: “rằng tất cả được nên một” (Ga 17:21).
Mỗi năm, một nhóm đại kết của một vùng thế giới, dưới sự hướng dẫn của Hội Đồng Đại Kết các Giáo Hội và Hội Đồng Giáo Hoàng về Hiệp Nhất Kitô Giáo, đề nghị một chủ đề và chuẩn bị kinh nguyện cho Tuần Lễ Cầu Nguyện này. Năm nay, các kinh nguyện đến từ các Giáo Hội và các Cộng Đồng Giáo Hội của Gia Nã Đại, và họ quy chiếu vào câu hỏi Thánh Phaolô đặt ra cho các tín hữu thành Côrintô: “Có phải Đức Kitô bị chia sẻ không?” (1 Cor 1:13).
Chắc chắn là Đức Kitô không bị chia sẻ. Nhưng chúng ta phải đau lòng chân thành công nhận rằng các cộng đồng của chúng ta vẫn tiếp tục sống trong chia rẽ, đó là một gương mù. Những chia rẽ giữa các Kitô hữu là một gương mù. Không có lời nào khác: một gương mù. Thánh Tông Đồ đã viết rằng “Mỗi người trong các anh chị em nói rằng: ‘Tôi thuộc về Phaolô’, ‘Tôi thuộc về Apôlô’, ‘Tôi thuộc về Kêpha’, hoặc ‘Tôi thuộc về Đức Kitô’” (1:12). Ngay cả những người tuyên xưng Đức Kitô là thủ lãnh của họ không được Thánh Phaolô khen, bởi vì họ đã sử dụng Danh Đức Kitô để tách mình khỏi những người khác trong cộng đồng Kitô hữu. Nhưng Danh Đức Kitô tạo ra sự hiệp thông và đoàn kết, chứ không tạo ra chia rẽ! Người đến để làm cho chúng ta hiệp thông với nhau, chứ không chia rẽ chúng ta. Bí Tích Rửa Tội và Thánh Giá là những yếu tố trung tâm của các môn đệ của Đức Kitô, là điều chúng ta có chung. Trái lại, những chia rẽ này làm suy giảm uy tín và hiệu quả của quyết tâm loan báo Tin Mừng của chúng ta và có nguy cơ làm cho quyền năng của Thánh Giá ra vô ích (x. 1:17).
Thánh Phaolô khiển trách các tín hữu Côrintô vì những tranh chấp của họ, nhưng ngài cũng cảm tạ Thiên Chúa “về ân huệ Ngài đã ban cho anh em trong Đức Giêsu Kitô, vì trong Người, anh em đã trở nên phong phú về mọi mặt, trong mọi lời nói và mọi sự hiểu biết” (1:4-5). Những lời này của Thánh Phaolô không đơn thuần chỉ là hình thức, nhưng là một dấu chỉ cho thấy ngài trước hết nhìn thấy - và chân thành vui mừng vì điều này - những hồng ân do Thiên Chúa ban cho cộng đồng. Thái độ này của Thánh Tông Đồ là một khích lệ cho chúng ta và cho tất cả các cộng đồng Kitô hữu, để vui mừng nhận ra những hồng ân của Thiên Chúa hiện diện trong các cộng đồng khác. Bất chấp sự đau khổ vì những chia rẽ, tiếc thay vẫn còn tồn tại, chúng ta hãy đón nhận những lời của Thánh Phaolô như một lời mời gọi chúng ta chân thành vui mừng vì những ân sủng mà Thiên Chúa ban cho những Kitô hữu khác. Chúng ta có cùng một bí tích Rửa Tội, một Chúa Thánh Thần là Đấng đã ban các ân sủng cho chúng ta: chúng ta hãy nhận ra những điều ấy vui mừng.
Thật là tốt đẹp khi nhận ra ân sủng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, và hơn nữa, tìm thấy trong những Kitô hữu khác một điều gì đó chúng ta cần, một điều gì đó chúng ta có thể nhận được như một món quà từ anh em chị em mình. Nhóm Gia Nã Đại, là nhóm đã chuẩn bị những kinh nguyện của Tuần Cầu Nguyện này, đã không mời gọi cộng đồng suy nghĩ về những gì họ có thể cung cấp cho những Kitô hữu lân cận của mình, nhưng khuyên họ đến với nhau để tìm ra những gì mà tất cả mọi người có thể thỉnh thoảng nhận được từ những người khác. Điều này đòi hỏi một điều gì đó nhiều hơn. Nó đòi hỏi phải cầu nguyện nhiều, phải khiêm nhường, suy nghĩ và hoán cải liên tục. Chúng ta hãy tiến bước trên con đường này, cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các Kitô hữu, ngõ hầu chấm dứt gương mù này và làm cho nó không còn ở với chúng ta nữa.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

No comments:

Post a Comment