Ca Đoàn Augustino

Saturday, January 18, 2014

Sự bí nhiệm của chuỗi Mân Côi (Phần 2)

Hạt Cát
Kinh Mân Côi được cấu tạo bởi hai hình thức cầu nguyện: Cầu nguyện bằng tâm hồn và cầu nguyện bằng miệng.
 
II- CẤU TRÚC VÀ CÁCH CẦU NGUYỆN BẰNG KINH MÂN CÔI
Trong Kinh Mân Côi, cầu nguyện bằng tâm hồn là suy niệm những Mầu Nhiệmchính của cuộc đời, sự chết và vinh quang của Chúa Giesu và Mẹ Người.
Cầu nguyện bằng miệng là đọc 150 Kinh Kính Mừng.  Ở đầu mỗi chục, đọc một Kinh Lạy Cha , TRONG KHI CÙNG LÚC suy ngắm và trầm tư 15 nhân đức chính mà Chúa Giesu và Đức Mẹ đã thực hành trong 15 Mầu Nhiệm Mân Côi.  Ở 50 kinh thứ nhất, chúng ta suy ngắm và vinh danh 5 Mầu Nhiệm Vui. 50 kinh thứ nhì, chúng ta  suy ngắm và vinh danh 5 Mầu Nhiệm Thương.  50 kinh thứ ba, 5 nầu nhiệm Mừng của Chúa và Đức Mẹ.  Cho nên, Kinh Mân Côi là một phối hợp ơn phúc của sự cầu nguyện bằng tâm hồn và cầu nguyện bằng miệng.  Từ đó, chúng ta tôn kính và noi gương các Mầu Nhiệmvà nhân đức của cuộc đời của Chúa Giesu và Đức Mẹ.

Trong một thị kiến, Chân Phước Alan được Đức Mẹ dậy: 'Khi người ta đọc 150 Kinh Kính Mừng, điều này rất ích lợi cho họ.  Nhưng họ sẽ làm Mẹ hài lòng hơn nhiều, nếu họ đọc kinh này trong khi đồng thời suy ngắm về cuộc đời, sự đau khổ của Chúa Giesu Kytô, vì SỰ SUY NGẮM NÀY LÀ LINH HỒN CỦA KINH MÂN CÔI'.
Thực vậy, cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi mà không suy niệm những Mầu NhiệmThánh của Ơn Cứu Chuộc chúng ta, thì cũng giống như cái xác không hồn: chất liệu tuyệt vời, nhưng lại thiếu khuôn tạo hình là sự suy niệm.  Điều này làm cho Kinh Mân Côi khác với những hình thức tôn sùng khác.  Thánh Albetto Cả là thày dạy của Thánh Toma Tiến Sĩ, qua một mạc khải, ngài được cho biết: Một Linh Hồn năng suy niệm về những đau khổ của Chúa Giesu, thì đem lại lợi ích cho Linh Hồn đó hơn là họ đã ăn chay với bánh mì và nước lạnh vào mỗi thứ Sáu đầu tháng trong cả năm, hoặc tự đánh mình đến chảy máu ra một mỗi lần một tuần, hoặc đọc hết cuốn Thánh Vịnh mỗi ngày! Vậy chúng ta sẽ được ơn ích biết bao khi chúng ta cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi, một kinh cũng tưởng nhớ cuộc đời, sự đau khổ của Đấng Cứu Chuộc chúng ta.
Ngày kia, Đức Mẹ tiết lộ cho Chân Phước Alan rằng:'Sau Hy Tế trong Thánh Lễ, một Hy Tế cao trọng nhất, cùng những kỷ niệm sống động của những đau khổ của Chúa Kytô, thì không còn loại sùng kính nào tốt hơn, đem ích lợi nhiều cho các Linh Hồn bằng Kinh Mân Côi, một kinh cũng nhắc lại những kỷ niệm và diễn lại cuộc đời, sự đau khổ của Chúa Giesu Kytô'.
Linh mục Dorland nói, vào nam 1481, Đức Mẹ hiện ra với Đấng Đáng Kinh Đôminicô dòng Thánh Bruno và phán: 'Bất cứ khi nào một Tín Hữu đang có ân nghĩa với Chúa, đọc Kinh Mân Côi trong khi suy ngắm những Mầu Nhiệm của cuộc đời và sự đau khổ của Chúa Giesu, người đó sẽ được tha thứ mọi tội lỗi'.
Khi đề cập đến việc cổ võ, truyền bá Kinh Mân Côi, người ta thường kể lại câu chuyện một người đàn bà ngoan đạo, nhưng lại chỉ muốn làm theo ý riêng mình, ở thành Rôma.  Sự nhiệt thành, sốt sắng của bà có thể làm cho những người giữ đạo chặt chẽ nhất cũng phải hết lòng cảm phục bà.
Một hôm, bà đến gặp Thánh Đôminicô và xin ngài chỉ dẫn về đàng thiêng liêng.  Khi xưng tội, thánh nhân ra việc đền tội cho bà bằng cách đọc một Tràng Chuỗi Mân Côi 150.  Thánh nhân cũng khuyên bà cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi hàng ngày.  Bà từ chối, viện lẽ bà không còn thời giờ để đọc.  Bà kể, bà đã viếng Đàng Thánh Giá ở thành Rôma mỗi ngày.  Bà mặc áo nhặm và chùm khăn trên đầu.  Bà đánh mình phạt xác vài lần một tuần, cũng như ăn chay và thực hành nhiều hình thức sám hối khác... Nhưng Thánh Đôminicô vẫn ráng thuyết phục bà cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi hàng ngày.  Bà cự tuyệt và ra về với tâm trạng chán nản về phương pháp của vị linh hướng mới này!
Sau đó ít lâu, trong một lần cầu nguyện, bà xuất thần và thấy mình đang ở trước Toà Phán Xét của Chúa.  Tổng Lãnh Thiên Thần Micae đem đặt các việc lành bà đã làm trên một đĩa cân.  Còn đĩa cân bên kia được đặt các tội và những thiếu xót của bà.  Đĩa cân đựng tội nặng hơn đĩa đựng việc lành rất nhiều.  Quá sợ hãi, bà quì phục xuống và van xin sự cứu giúp của Đức Mẹ.  Đức Mẹ liền đặt tràng Kinh Mân Côi bà đã đọc lúc xưng tội lên đĩa cân đựng việc lành. Tràng Kinh Mân Côi trở nên nặng hơn tất cả các tội của bà.  Rồi Đức Mẹ tái khẳng định sự cần thiết và ích lợi về lời khuyên của Thánh Đôminicô.
Khi tỉnh lại, bà chạy ngay đến gặp Thánh Đôminicô và kể cho ngài về thị kiến đó.  Bà xin Thánh nhân tha thứ vì bà đã không tin và không làm theo lời khuyên của ngài.  Bà hứa từ nay sẽ cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi hàng ngày.  Nhờ đó đời sống tinh thần của bà được thăng tiến rất nhiều.  Và cuối cùng, bà đã chiếm được Nước Trời.
Các bạn, những người chăm chỉ cầu nguyện, có thể học được ở câu chuyện này uy lực và giá trị lớn lao cùng sự quan trọng về lòng sùng kính Kinh Mân Côi, nếu được đọc trong khi cùng lúc trầm tư, suy niệm các Mầu Nhiệm Mân Côi.
1. Kinh Lạy Cha.
Kinh Lạy Cha, hay lời cầu nguyện của Thiên Chúa, có một giá trị lớn lao.  Trước hết, tác giả của Kinh Lạy Cha không phải là loài người, cũng không phải là Thiên Thần, nhưng là Vua các Thiên Thần và loài người, Chúa Chúa Giesu Kytô, Đấng Cứu Thế.
Trong Kinh Lạy Cha có một thứ tự tuyệt vời, một ý nghĩa ngọt ngào và sự trong sáng dễ hiểu.  Lời cầu nguyện cao trọng này nói lên sự khôn ngoan của Thày Chí Thánh chúng ta.  Đó chỉ là một lời cầu nguyện ngắn nhưng lại dạy chúng ta thật nhiều.  Lời cầu nguyện rất hợp tầm hiểu biết của người ít học, trong khi những nhà thông thái cũng có thể tìm thấy trong đó nguồn tư tưởng vô tận về Mầu Nhiệm Đức Tin để suy niệm.
Kinh Lạy Cha bao gồm bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa, việc thực hành các nhân đức và những lời cầu xin cho những ơn phần hồn cũng như phần xác.  Tertulian cho rằng: 'Kinh Lạy Cha là một tóm gọn của Tân Ước'.  Còn Thomas a Kempis nói: 'Kinh Lạy Cha đáp ứng đầy đủ mọi ước vọng của các thánh, là một tổng hợp tất cả những lời cầu nguyện cao đẹp của các thánh vịnh và thánh ca, là lời cầu xin rất đầy đủ của chúng ta.  Và qua Kinh Lạy Cha, chúng ta chúc tụng Thiên Chúa cách tốt đẹp nhất.  Cũng như nhờ đó, chúng ta nâng tâm hồn lên với Chúa và kết hợp với Người'.
Thánh Chrysostom nói rằng, chúng ta không thể làm môn đệ của Chúa, nếu chúng ta không cầu nguyện như Người đã cầu nguyện và với cách thế Người đã dạy chúng ta.  Hơn thế nữa, Thiên Chúa Cha sẵn lòng lắng nghe những lời cầu nguyện mà chúng ta học được từ Con của Người, hơn là những lời cầu nguyện được làm ra bởi sự hạn chế của con người chúng ta.
Chúng ta cần đọc Kinh Lạy Cha với niền tin tưởng vững chắc Thiên Chúa Cha sẽ nhận lời, vì đó là lời cầu nguyện của Con rất yêu dấu Ngài và chúng ta là con cái của Ngài.  Chắc chắn Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta những ơn chúng ta xin, vì không lý do gì một người cha đầy tình yêu thương lại có thể từ chối lời cầu xin đưọc phát ra từ Miệng Người Con rất yêu dấu được hiệp với công nghiệp vô cùng của Ngài, và cũng là lời cầu xin được dâng lên theo chỉ thị của Ngài.
Thánh Augustinô nói, bất cứ khi nào chúng ta đọc Kinh Lạy Cha một cách sốt sắng, chúng ta sẽ được Chúa tha các tội nhẹ.  Người công chính ngã bảy lần một ngày, mnhưng trong lời cầu nguyện của Thiên Chúa, họ tìm thấy bảy lời cầu xin.  Những lời cầu xin này giúp họ vừa tránh bị sa ngã, vừa bảo vệ họ khỏi kẻ thù thiêng liêng.  Thiên Chúa biết chúng ta là con người yếu đuối, bất lực, cùng những khó khăn chúng ta gặp trên đường đời, cho nên Ngài đã lập ra kinh ngắn gọn, dễ đọc.  Vì thế, nếu chúng ta đọc cách sốt sắng và thường xuyên, chắc chắn chúng ta sẽ được Thiên Chúa Quyền Năng cấp thời  đến trợ giúp chúng ta.
Hỡi những tâm hồn mộ đạo, tôi xin nói lời này với các bạn, là những người ít quan tâm tới lời cầu nguyện chính thức của Con Thiên Chúa mà Người đã ban và dạy chúng ta cầu nguyện, rằng: đã đến lúc để các bạn thay đổi lối suy nghĩ.  Các bạn chỉ thích những kinh nguyện do con người làm ra.  Không ai trên thế gian này, ngay cả những vị được sự linh hứng của Chúa Thánh Thần nhiều nhất, có thể biết cách phải cầu nguyện làm sao, cho bằng chính Chúa Kytô.  Các bạn tìm kiếm những kinh nguyện trong các sách được viết ra bởi loài người.  Và có vẻ như các bạn cảm thấy xấu hổ khi đọc kinh nguyện mà Thiên Chúa đã dạy chúng ta.  Các bạn tự hào bào chữa rằng, những kinh nguyện trong sách đó dành cho những người thông thái, cũng như những người giầu có thuộc tầng lớp trên trong xã hội.  Còn Kinh Mân Côi thì dành cho đàn bà con nít và những người thuộc tầng lớp lao động!
Không phải tôi loại bỏ những kinh nguyện do các thánh đặt ra để khuyến khích các tín hữu chúc tụng ngượi khen Chúa.  Tôi chỉ không thể chịu được khi thấy người ta ưa chuộng những kinh này hơn kinh nguyện được thốt ra bởi Đấng Nhập Thể khôn ngoan vô cùng.  Nếu họ tỏ ra lơ là với kinh nguyện này, thì cũng giống như họ bỏ qua giòng suối mát để đến với những khe lạch nhỏ, và từ chối uống nước tinh sạch để uống nước dơ bẩn.  Bởi vì Kinh Mân Côi được tạo thành bời lời cầu nguyện của Thiên Chúa và lời chúc tụng của Thiên Thần.  Đây chính là nguồn nước tinh khiết và không bao giờ cạn, xuất phát từ nguồn ân sủng.  Trong khi những kinh nguyện khác họ kiếm trong sách chỉ như lạch suối nhỏ được phát sinh từ nguồn suối này.
Khi chúng ta đọc kinh nguyện tuyệt vời này,chúng ta đã đi thẳng vào Trái Tim Chúa ngay khi chúng ta gọi Người bằng từ ngữ ngọt ngào: “CHA!” - LẠY CHA CHÚNG CON- Ngài là Người Cha trên hết mọi người cha, Đấng quyền năng trong việc tạo thành, tuyệt vời trong việc bảo vệ thế giới, một Thiên Chúa yêu thương, Đấng Cứu Thế nhân hậu.  Chúng ta có THIÊN CHÚA LÀ CHA, do đó tất cả chúng ta là anh em và Thiên Đàng là quê hương thật của chúng ta! Tư tưởng này nhắc cho chúng ta phải yêu Chúa và yêu tha nhân, cũng như đừng gắn bó quá với những của cải đời này.
2. Kinh Kính Mừng.
Lời chào của Thiên Thần được đến từ Trời Cao, và ý nghĩa thâm sâu của lời chào này vượt quá khả năng loài người.  Chân phước Alan quả quyết rằng, không loài thụ tạo nào có thể hiểu thấu được.  Chỉ có Thiên Chúa và Chúa Giesu Kytô, Đấng Cứu Thế được sinh ra bởi Trinh Nữ Maria mới cắt nghĩa được mà thôi.
Kinh Kính Mừng là một tóm gọn nhất về tất cả những gì thần học Công Giáo dạy về Đức Trinh Nữ Maria và được chia ra làm hai phần: Phần một được Thiên Chúa Ba Ngôi mạc khải cho chúng ta.  Phần hai, bà Thánh Isave được ơn linh hứng của Chúa Thánh Thần, đã thêm vào.  Giáo Hội cho vào đoạn kết vào năm 430, khi Giáo Hội lên án bè rối Nestoria tại Công Đồng Epheso và xác quyết rằng, Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa.  Do đó, Giáo Hội dạy chúng ta cầu nguyện với Đức Mẹ dưới danh hiệu vinh hiển này bằng lời nguyện: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử.  Amen”.
Biến cố trọng đại nhất trong lịch sử nhân loại là sự Nhập Thể của Ngôi Hai Hằng Sống.  Qua đó, nhân loại được cứu chuộc, và sự liên lạc giữa Thiên Chúa và loài người được vãn hồi.  Đức Mẹ được kén chọn như một dụng cụ Thiên Chúa dùng cho biến cố cao cả này.  Biến cố này thành sự sau lời chào của Thiên Thần.  Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel, một trong những thủ lãnh Thiên Thần, được chọn làm ngôn sứ đem tin mừng này.
Qua lời chào Thiên Thần mà Ngôi Hai nhập thể làm người.  Đức Trinh Nữ Maria trở nên Mẹ Thiên Chúa.  Linh Hồn các thánh được được giải thoát khỏi ngục tổ tông, các ngai trống trên Thiên Đàng được trám đầy.  Thêm vào đó, tội được tha, ơn phúc được ban xuống cho nhân loại, người lưu đày được hồi hương, cơn thịnh nộ của Thiên Chúa được hóa giải và con người được ban cho cuộc sống vĩnh cửu (Chân Phước Alan De La Roche).
Mặc dù không gì sách được với sự uy nghi cao cả của Thiên Chúa, và không gì thấp hèn cho bằng con người tội lỗi.  Nhưng Thiên Chúa toàn năng vẫn không chê chối lời cầu nguyện khiêm hạ của chúng ta.  Trái lại, Ngài rất hài lòng khi chúng ta ngượi khen chúc tụng Ngài.
Lời chào của Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel là một trong những lời Thánh Vịnh cao đẹp nhất mà chúng ta có thể hát tôn vinh Đấng Cao Cả: 'Tôi sẽ hát lên bài ca mới ca tụng Thiên Chúa' (Tv. 143:9).  Bài Thánh Vịnh mới mà vua Đavid tiên báo và được hát lên trong niềm mong chờ Đấng Cứu Tinh, chính là lời chào của Thiên Thần.
Có một Thánh Vịnh cũ và một Thánh Vịnh mới.  Bài Thánh Vịnh cũ được dân Do Thái hát lên để cảm tạ Thiên Chúa đã tạo dựng lên họ, bảo toàn họ qua việc cứu họ khỏi ách nô lệ, dẫn họ vượt qua Biển Đỏ an toàn, cùng ban cho họ Manna để ăn và các ơn lành khác.
Bài Thánh Vịnh mới người Kytô hữu hát lên để cảm tạ Thiên Chúa vì Ơn Nhập Thể và Cứu Chuộc của Ngôi Lời.  Và bởi vì những điều kỳ diệu này được xảy ra sau lời chào của Thiên Thần.  Cho nên chúng ta cũng lập lại lời chào này để cảm tạ Thiên Chúa Ba Ngôi  cao cả vì tình thương vô bờ Ngài đã dành cho chúng ta.  Chúng ta chúc tụng Thiên Chúa Cha vì Ngài yêu thương thế gian đến nỗi đã ban chính Con Một làm Đấng Cứu Chuộc chúng ta.  Chúng ta cảm tạ Chúa Con, vì Ngài đã rủ lòng thương giáng trần nhập thể làm người để cứu chuộc chúng ta.  Chúng ta vinh danh Chúa Thánh Thần, vì Ngài đã tạo nên một Thân Thể tinh tuyền cho Ngôi Hai Thiên Chúa trong Cung Lòng Đức Mẹ.  Thân Thể này sẽ là của lễ hy sinh để đền thay tội chúng ta.  Cho nên trong tâm tình biết ơn thâm sâu, chúng ta cần đọc Kinh Kính Mừng với tất cả lòng tin yêu, hy vọng và cảm tạ vì món quà vô giá là Ơn Cứu Chuộc.
Mặc dù những lời chúc tụng trong bài Thánh Vịnh mới này đều qui về Đức Mẹ, nhưng thực ra, nó làm vinh danh Ba Ngôi Thiên Chúa, bởi bất cứ sự tôn vinh nào chúng ta dành cho Đức Mẹ, cũng đều qui về Thiên Chúa, Đấng là nguyên ủy của mọi nhân đức và sự hoàn thiện của Đức Mẹ.  Khi chúng ta tôn vinh Đức Mẹ, Chúa Cha liền được vinh danh, vì chúng ta đã tôn vinh một thụ tạo hoàn hảo nhất của Ngài.  Chúa Giesu được vinh danh vì chúng ta tôn vinh Ngưới Mẹ tinh tuyền của Ngài.  Chúa Thánh Thần được tôn vinh vì chúng ta đã say sưa chiêm ngưỡng những ơn phúc lạ lùng Chúa Thánh Thần tuôn đổ trên Tâm Hồn Bạn Trăm Năm Ngài.
Phần Đức Mẹ, khi chúng ta chúc tụng Người bằng lời chào Thiên Thần, Đức Mẹ liên qui ngay về Thiên Chúa.  Cũng y như xưa, khi bà Isave chúc tụng Đức Mẹ bằng tước vị cao trọng Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ liền hướng về Thiên Chúa bằng Kinh Magnificat -Kinh Ngượi Khen- tuyệt vời.
Vì lời chào của Thiên Thần làm vinh danh Thiên Chúa Ba Ngôi, cho nên lời chào này cũng là cách thức chúc tụng tốt đẹp nhất chúng ta có thể dâng lên Đức Mẹ vậy.  Lời chào đến từ Trời Cao còn là máng chuyển ơn phúc dồi dào xuống trên chúng ta.  Chắc chắn rằng, Chúa Giesu và Đức Mẹ sẽ thưởng công bội hậu cho những ai vinh danh các Ngài.  Các Ngài sẽ trả cho chúng ta gấp trăm lần những lời chúc tụng chúng ta dâng lên: 'Bà có phúc hơn mọi người người nữ và Giesu trong Lòng Bà gồm phúc lạ'.
Ở mỗi Kinh Kính Mừng, chúng ta dâng tặng Đức Mẹ cùng một vinh danh mà Thiên Chúa đã ban, khi Ngài sai Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel thay mặt Ngài đến chào Đức Mẹ.  Có ai dám nghĩ Chúa Giesu và Đức Mẹ, những Đấng thường làm điều lành ngay cả cho những người xúc phạm đến các Ngài, lại có thể dể duôi những người thành tâm chúc tụng, vinh danh các Ngài bằng Kinh Kính Mừng?
Thánh Bênađô và Thánh Bônaventuna cùng đồng thanh quả quyết Nữ Vương Thiên Đàng không bao giờ thua ai lòng biết ơn và độ lượng.  Cũng như Đức Mẹ trổi vượt trên mọi cấp bậc thần thánh thế nào, Đức Mẹ cũng vượt xa chúng ta về lòng biết ơn thể ấy!  Cho nên, khi chúng ta hết lòng tôn kính, chúc tụng, ngượi khen Đức Mẹ, Đức Mẹ đều trả lại cho chúng ta nhiều gấp trăm. Thánh Bônaventuna nói, Đức Mẹ sẽ chào chúng ta bằng ơn thánh nếu chúng ta chào Đức Mẹ bằng Kinh Kính Mừng.
Ai có thể hiểu được những ơn phúc đến từ lời chào, từ sự yêu thương chăm sóc của Đức Mẹ sẽ tác dụng thế nào trên tâm hồn chúng ta? Bà Isave ngay khi nghe lời chào của Mẹ Thiên Chúa, liền được đầy Ơn Chúa Thánh Thần, và thai nhi trong lòng bà liền nhẩy mừng.  Vậy nếu chúng ta dọn mình xứng nhận lời chào và chúc phúc của Đức Mẹ, chúng ta cũng sẽ nhận được ơn phúc dồi dào, và lòng chúng ta sẽ được tràn đầy an ủi.
Kinh Kính Mừng là giọt sương thiêng từ Trời xuống ướp mát những Linh Hồn được tiền định và ban cho họ ơn phúc dồi dào, để họ có thể thực hành các nhân đức. Khu vườn Linh Hồn càng được tưới gội bằng lời cầu nguyện này, Ơn Khôn Ngoan của họ càng trở nên sâu sắc.  Họ càng nhiệt thành với kinh này, khí giới của họ càng trở nên hiệu nghiệm để chống lại các kẻ thù thiêng liêng.
Kinh Kính Mừng là mũi tên nhọn sắc và nóng cháy, để cùng với ơn Chúa, sẽ giúp cho các vị giảng thuyết sức mạnh để thuyết phục, cảm hoá những tâm hồn cứng cỏi, chai đá nhất, nhay cả khi các ngài chỉ có một chút, hay không có khả năng giảng thuyết nào!
Như tôi đã trình bày ở trên, đây là bí mật tuyệt diệu Đức Mẹ chỉ vẽ cho Thánh Đôminicô và Chân Phước Alan De La Roche, để các ngài có thể đưa về cho Chúa những người rối đạo và người tội lỗi.  Thánh Antôn nói rằng, đó là lý do tại sao nhiều vị linh mục có thói quen đọc một Kinh Kính Mừng trước mỗi bài giảng.
Một hôm Thánh Nữ Metchtilde đang cầu nguyện và đang cố nghĩ ra phương thế nào tốt nhất để tỏ lòng yêu mến Đức Mẹ.  Thánh nữ xuất thần và thấy Đức Mẹ hiện ra với hàng chữ Kinh Kính Mừng được viền vàng trên Ngực Đức Mẹ.  Đức Mẹ phán với thánh nữ: 'Hỡi con, Mẹ muốn cho con hiểu rằng, chẳng có điều nào làm vui lòng Mẹ bằng đọc lời chào mà Thiên Chúa Ba Ngôi đã ban cho Mẹ, và do đó, đã nâng Mẹ lên chức Mẹ Thiên Chúa.
 Với từ KÍNH MỪNG-AVE- (tên Eva) Mẹ được nhắc nhở tới quyền năng vô cùng của Thiên Chúa đã gìn giữ Mẹ khỏi mọi tội lỗi cùng những hậu quả kèm theo, những thứ mà Eva thứ nhất dã mắc phải.
 
 Tên “MARIA” có nghĩa là “Người Nữ của ánh sáng”, ý nói Thiên Chúa đã đổ đầy Hồn Mẹ Sự Khôn Ngoan và Ánh Sáng như ngôi sao chiếu sáng trên Trời dưới đất.
 
 Câu “ĐẦY ƠN PHÚC” nhắc cho Mẹ rằng, Chúa Thánh Thần đã ban cho Mẹ biết bao ơn phúc, để Mẹ, Đấng Trung Gian, có thể ban ơn dồi dào cho những ai cầu xin Mẹ.
 
 Khi người ta đọc: “THIÊN CHÚA Ở CÙNG BÀ”, họ làm sống lại niềm vui khôn tả của Mẹ, khi Ngôi Lời Hằng Sống nhập thể trong Cung Lòng Mẹ.
 
 Khi các con đọc: “BÀ CÓ PHÚC LẠ HƠN MỌI NGƯỜI NỮ”, Mẹ liền chúc tụng Lòng Thương Xót Chúa đã nâng Mẹ lên tới mức hạnh phúc cao quí này.
 
 Và lời: “VÀ GIESU TRONG LÒNG BÀ GỒM PHÚC LẠ”, cả Thiên Đàng cùng với Mẹ vui mừng chiêm ngưỡng Chúa Giesu Con Mẹ được thờ lạy, tôn vinh vì đã cứu chuộc nhân loại.
 
(Còn tiếp)

No comments:

Post a Comment