Trước hết đối với thánh Marcô, sứ vụ truyền giáo là sứ vụ rao giảng Tin Mừng (Mc 16, 15), loan báo Chúa Kitô, làm cho mọi người nhận biết Đức Giêsu là Đấng Kitô (Mc 8, 29), nhận biết Đức Giêsu chịu đóng đinh là Con Thiên Chúa (Mc 15, 39).
Đối với thánh Matthêu, truyền giáo là thiết lập và xây dựng Hội Thánh Chúa Kitô, làm cho nhiều người trở nên môn đệ Chúa Kitô (Mt 28, 19-20; 16, 18): việc rao giảng Tin Mừng được bổ túc bằng huấn giáo và cử hành bí tích.Trong các tác phẩm của thánh Luca, sứ vụ truyền giáo được coi như một chứng tá (Lc 24, 48; Cv 1, 8), đặc biệt là về sự Phục Sinh của Đức Kitô (Cv 1, 22). Tác giả nhấn mạnh “sức biến đổi của Tin Mừng Phục Sinh”, ngài kêu gọi hoán cải để được cứu thoát khỏi tội lỗi và sự dữ.
Tin Mừng theo thánh Gioan thì nhấn mạnh việc tiếp nối sứ vụ của Đức Kitô: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20, 21). Sứ vụ của các Tông Đồ xây dựng trên sứ vụ của Đức Kitô, và lấy sứ vụ của Đức Kitô làm mẫu mực: “Như Cha đã sai Con đến thế gian, thì Con cũng sai họ đến thế gian” (Ga 17, 18).
Mục tiêu của sứ vụ truyền giáo là làm cho nhân loại có được sự sống đời đời: “Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô” (Ga 17, 3). Nhân loại được mời gọi hiệp thông với tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con. Chính vì thế, công việc đầu tiên của truyền giáo là sống yêu thương và hiệp nhất: “Để tất cả nên một, như, lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong Chúng Ta. Như vậy thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17, 21).
Như vậy người tông đồ truyền giáo trước hết bằng tình yêu và cuộc sống, rồi mới bằng lời nói và việc làm.
CHÚA KITÔ VÀ CHÚA THÁNH THẦN TRONG SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO CỦA HỘI THÁNH
1. Loan báo Chúa Kitô
Hội Thánh không ngừng loan báo Chúa Kitô. Sứ mạng của Hội Thánh là làm cho nhân loại nhận biết Đức Kitô là Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa Hằng Sống. Việc loan báo Chúa Kitô không là công việc thuộc lãnh vực tự nhiên, mà là một công việc siêu nhiên, là công việc của Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần chủ động loan báo cùng với Hội Thánh và qua Hội Thánh. Hội Thánh không ngừng công bố Tin Mừng Phục Sinh, không phải với sự hùng biện của khoa ngôn ngữ hay sự khôn ngoan theo kiểu thế gian, nhưng với sức mạnh và khả năng thuyết phục của Thánh Thần: Thánh Thần tác động trên những người loan báo, đồng thời tác động trên những người nghe (Cv 2, 37).
2. Xây dựng Hội Thánh
Truyền giáo là ra đi, thâu nạp môn đồ về cho Chúa Kitô, làm cho nhiều người gia nhập Hội Thánh Chúa Kitô nhờ phép Thánh Tẩy, xây dựng Cộng Đồng, Nhiệm Thể Chúa Kitô, xây dựng Hội Thánh trên đá tảng Phêrô, trên nền móng các “Tông Đồ”.
Chúa Kitô thiết lập Hội Thánh, nhưng Hội Thánh được xây dựng nhờ Chúa Thánh Thần. Hội Thánh sống bằng sự sống của Chúa Kitô, cũng chính là Thần Khí của Chúa Phục Sinh. Thần Khí ấy được ban qua các bí tích, đặc biệt là bí tích Rửa Tội và Thánh Thể.
Việc xây dựng Hội Thánh còn được thực hiện bằng việc huấn giáo, dạy dỗ để đức tin và đời sống đạo của Kitô hữu ngày một sâu sắc hơn. Truyền giáo là dạy sống Tin Mừng (Mt 28, 20). Tất cả những điều này, chỉ thực hiện được cùng với Thánh Thần và trong Thánh Thần. Thánh Thần là ánh sáng chiếu soi tâm hồn Kitô hữu, để Kitô hữu mỗi ngày thêm hiểu Chúa Kitô, sống theo giáo huấn Chúa Kitô.
3. Làm chứng cho Chúa Kitô chịu Khổ nạn và Phục Sinh
Truyền giáo là “thông truyền”, là chia sẻ cho người khác kinh nghiệm của mình về Đức Giêsu Kitô: kinh nghiệm tiếp xúc với Chúa, kinh nghiệm về tương quan giữa mình với Chúa, kinh nghiệm về hạnh phúc, về sự sống đã nhận lãnh từ Đức Giêsu Kitô Phục Sinh. Sự sống và tình yêu mà ta nhận lãnh từ Đức Kitô Phục Sinh chính là Thánh Thần của Đức Kitô Phục Sinh. Chính vì thế, truyền giáo là chia sẻ kinh nghiệm về Thánh Thần, chia sẻ kinh nghiệm thiêng liêng.
Kinh nghiệm này có thể là kinh nghiệm cá nhân, hay là kinh nghiệm tập thể. Kinh nghiệm cá nhân thường rất giới hạn, nên mỗi người chúng ta nên đưa các dự tòng, tân tòng đến với các Kitô hữu khác, đưa họ vào cộng đồng Hội Thánh, để họ được chia sẻ kho tàng mà Chúa ban cho Hội Thánh (Cv 2, 46-47).
Chứng tá đời sống thường đi đôi với tác động biến đổi của Chúa Thánh Thần.
4. Tiếp nối sứ mạng của Chúa Kitô
Chúng ta loan báo Chúa Kitô, đi thâu nạp môn đồ cho Chúa, chia sẻ sự sống của Chúa cho người khác, không phải do tùy hứng ; nhưng đó là một sứ vụ có gốc rễ sâu xa trong lòng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
Như Chúa Cha đã sai Chúa Kitô, Chúa Kitô sai chúng ta, vừa để tiếp nối sứ mạng của Chúa (mạc khải tình yêu của Chúa Cha) vừa để cho nhân loại nhận ra sứ mạng của Chúa, nhận biết Người là Đấng được Chúa Cha sai đến.Chúng ta chỉ có thể tiếp nối sứ mạng của Chúa Kitô, khi chúng ta hiểu Chúa và yêu Chúa. Chúng ta chỉ có thể hiểu và yêu Chúa nhờ Thánh Thần của Chúa.
Điều sâu thẳm nhất, quan trọng nhất nơi Chúa Cha, cũng như nơi Chúa Kitô là tình yêu hiệp thông giữa các Ngài, là sự Duy Nhất giữa các Ngài. Đức Giêsu muốn cho nhân loại nhận ra sự duy nhất giữa Người và Chúa Cha, nhận ra Người bởi Cha, nhờ đó, được thông phần tình yêu hiệp thông, cũng chính là sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Chính sự hiệp thông giữa các môn đệ của Chúa là dấu chỉ để cho nhân loại nhận ra sự Hiệp Thông giữa Người với Chúa Cha. Kitô hữu không những truyền giáo bằng lời nói và việc làm, mà còn truyền giáo bằng cuộc sống, bằng tình yêu hiệp nhất.
Chúa Thánh Thần chính là tình yêu hiệp thông trong lòng Thiên Chúa Ba Ngôi. Có Chúa Thánh Thần chúng ta có tình yêu hiệp thông ấy. Chúa Thánh Thần nối kết chúng ta, làm cho chúng ta nên một với Chúa Kitô và nên một với nhau.
SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO CỦA HỘI THÁNH VÀ NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA LỜI CHÚA
Chúa Giêsu, khi còn tại thế, đã rời bỏ gia đình, bước đi trên nhiều nẻo đường, rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, gieo hạt giống Lời Chúa khắp nơi. Trước khi về cùng Chúa Cha, Ngài đã trao sứ vụ cho các Thánh Tông Đồ: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ.” (Mt 28, 19).
Ngày hôm nay, ngoài thành ngữ “cánh đồng truyền giáo mênh mông”, chúng ta còn có một cách nói khác rất cụ thể và dễ hiểu để nói về sứ vụ loan báo Tin mừng, đó là thành ngữ “những nẻo đường của Thiên Chúa”. Nếu đường đời muôn vạn nẻo, thì Lời Chúa phải được gieo vãi trên vạn nẻo đường, vì chính Chúa đã “vào đời”.
Các thứ “đường đi” trong thời đại chúng ta
Thời đại của chúng ta có nhiều “đường đi” hơn trước, và có cả một mạng lưới truyền thông bao trùm hoàn vũ (internet). Chúng ta có thể gieo vãi Lời bất cứ ở đâu, bất cứ dưới hình thức nào. Mảnh đất loài người rồi cũng có cơ may đón nhận. Đừng ái ngại, chần chờ, nhưng hãy mạnh dạn làm bất cứ điều có thể làm được để gieo hạt giống Lời Chúa. Mọi nẻo đường của nhân loại đều cần ánh sáng của Lời Chúa. Những con đường càng tăm tối càng cần nhiều ánh sáng hơn.
Có những con đường không ai muốn đi, đó là những con đường đau khổ, bất hạnh, bị bỏ rơi, bị cô đơn, con đường của sự chết, con đường có vẻ như “vắng bóng” Thiên Chúa, nơi Thiên Chúa như hoàn toàn im lặng, không lên tiếng. Chúng ta không được quên những con đường ấy, nhưng cứ hãy dọn những con đường ấy cho Chúa Giêsu, vì Chúa đến trần gian để cứu chuộc những gì đã hư mất.
Ngày hôm nay, lời mời gọi loan báo Tin mừng Chúa Giêsu tỏ ra cấp bách hơn bao giờ hết. Hơn bao giờ hết nhân loại ngày hôm nay đang cần ánh sáng của Chúa, vì họ không thấy hướng đi. Nhiều cá nhân, tập thể, nhiều dân tộc, nhiều nền văn minh đang mất hướng. Ngày hôm nay hơn bao giờ hết Hội Thánh có cơ may thực hiện điều Chúa Giêsu đã yêu cầu: “Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng” Mt 10, 27).
Người gieo giống phải không ngừng khám phá những con đường mới, kể cả những con đường sỏi đá, gai góc. Lời Chúa đi qua những con đường ấy để đốt cháy những bụi gai, vạch trần các tội ác. Nhưng quan trọng hơn, Lời Chúa mở ra những con đường hy vọng, để loan báo Tin mừng hy vọng cho đến tận cùng trái đất (Lc 4, 18-19).Hãy mang chứng tá Kitô giáo đi khắp nơi: chứng tá về vương quốc tình yêu và chân lý, chứng tá về ân sủng và sự thánh thiện, về sự sống viên mãn, về công lý và hoà bình.
Con đường của Cái Đẹp
Ngày hôm nay, con đường của “Cái Đẹp” (via pulchritudinis) là một con đường rất quan trọng. Thế giới của chúng ta hôm nay là một thế giới yêu chuộng nghệ thuật. Các nghệ sĩ là những con người có sức tác động trên tâm hồn người khác nhiều hơn cả. Trong một thế giới còn nhiều điều man rợ và xấu xa do tội ác của con người và xã hội, nhiều người khao khát cái đẹp, không chỉ về thể lý, mà cả về tâm linh.
Người Kitô hữu hãy hãnh diện về cái đẹp của Mạc khải, của Tin Mừng mà Hội Thánh chuyển tải. Đừng vì bất cứ thứ mặc cảm nào mà làm hỏng “gia sản Lời Chúa” đã được chuyển giao cho chúng ta trải qua bao nhiêu thế hệ.
Hãy làm cho các nghệ sĩ biết Lời Chúa, yêu mến Lời Chúa, gợi hứng từ Lời Chúa. Đức Thánh cha Gioan Phaolô II, trong thư gởi cho các nghệ sĩ năm 1999, đã nhắc lại thành ngữ của thi hào người Pháp Paul Claudel “Kinh Thánh là một ngữ vựng mênh mông” (vocabulaire immense), và của hoạ sĩ Chagall “Kinh Thánh là một bản đồ các ảnh tượng” (atlas iconographique) (THĐGMTG 12, số 15).
Con đường của Công nghệ thông tin
Ngày 23 tháng 1 năm 2009, Đức Thánh cha Bênêđictô XVI đã mời gọi giới trẻ công giáo đem đức tin vào thế giới “tin học”, vì họ hầu như “rất mau lẹ và dễ dàng” sử dụng các phương tiện truyền thông mới. Chủ đề của sứ điệp Đức Thánh cha gởi cho ngày truyền thông thế giới là: “Kỹ thuật mới, tương quan mới. Cổ võ cho một nền văn hoá tôn kính, đối thoại và bằng hữu”.
Đức Thánh cha mời gọi: “Tôi xin anh chị em hãy đem vào nền văn hoá của môi trường truyền thông và kỹ thuật thông tin các giá trị mà trên đó anh chị em xây dựng đời sống”… “giới trẻ cần phải lãnh trách nhiệm phúc âm hoá trong “lục địa kỹ thuật số này”… Xin hãy hăng say loan báo Tin Mừng cho những người đồng thời”.
Đức Thánh cha nói đến “một thế giới nối kết” nhờ mạng lưới truyền thông hôm nay. Rất nhiều người được hưởng lợi ích do nền văn hoá truyền thông hôm nay. Các gia đình có thể liên lạc với nhau qua những khoảng cách thật xa. Các sinh viên và các nhà khảo cứu có thể tìm tài liệu, các nguồn dữ liệu và các khám phá khoa học cách nhanh chóng và dễ dàng. Do đó họ có thể cộng tác với nhau từ các địa điểm khác nhau.
Quả đây là một dấu chỉ của thời đại: dấu chỉ Chúa kêu gọi chúng ta nỗ lực tối đa để gieo hạt giống Tin Mừng Tình yêu nối kết mọi người nên một như “Chúa Cha và Chúa Con là Một”. Chúng ta được kêu gọi “tạo nên tình thân hữu khắp nơi, không những trên mạng và qua mạng internet, mà ngay cả trong cuộc sống thực tế hằng ngày. Sự ích kỷ đã lỗi thời trong thế giới hôm nay.
Nếu trong hai phần ba thế kỷ trước, Hội Thánh không thể nào có đủ phương tiện truyền thông để loan báo Tin Mừng cho cả thế giới, vì các phương tiện truyền thông nằm trong tay Nhà Nước hay các tập đoàn tư bản giàu có, thì ngày hôm nay, mọi người đều có cơ hội ngang nhau để loan báo điều mình muốn. Hội Thánh đã có cơ may để “rao giảng trên mái nhà” những gì Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ.
Con đường của gia đình
Còn một con đường rất gần gũi với chúng ta, con đường trên đó ta đang đi, con đường hiện nay vẫn còn bao quanh ta, con đường mà Chúa Giêsu thích sử dụng, vì nó rất thân thương với Người, con đường Người đã trải qua lúc còn tại thế, đã đi hơn 30 năm, đó là con đường gia đình. Vì con đường đó là môi trường quá gần gũi, quá gắn liền với ta, nên nhiều khi ta không còn ý thức rằng đó cũng là nẻo đường quan trọng nhất cần nhận lãnh các hạt giống Tin Mừng.
Thượng hội đồng Giám mục thế giới lần thứ 12 nhắc chúng ta lưu tâm cách dặc biệt tới gia đình: “Gia đình phải đề ra những hình thức và kiểu mẫu giáo dục cầu nguyện, huấn giáo, học hỏi sử dụng Kinh Thánh, để các thanh niên, thiếu nữ, người già và trẻ em (Tv 148, 12) lắng nghe, hiểu, chúc tụng và sống Lời Chúa.” (Sứ điệp THĐGMTG 12, số 11).
Nền văn minh thiên về duy vật và hưởng thụ của thế giới hôm nay đang làm lung lay tận gốc rễ các giá trị truyền thống của gia đình Việt nam. Thư mục vụ của HĐGMVN năm 2008 về Giáo dục gia đình đã có nhận định như sau: “Xã hội Việt nam nói riêng và thế giới nói chung đang chuyển mình cách mạnh mẽ với những thay đổi tích cực nhưng cũng với những mất mát to lớn, trong đó đáng kể nhất là những giá trị cơ bản liên quan đến sự bền vững của hôn nhân gia đình và tình liên đới giữa các thành viên” (x. thư mục vụ số 9).
Các gia đình Việt Nam ở nước ngoài cũng không tránh khỏi những khó khăn chung của thế giới hôm nay, nhất là các gia đình trẻ. Sự vững bền của hôn nhân bị thử thách trầm trọng bởi cám dỗ ly dị khi tình yêu vợ chồng bị sứt mẻ và gia đình bị lủng củng. Sự hiếu thảo truyền thống của người Việt Nam bị xói mòn bởi nếp sống tự do của Phương Tây. Ngày hôm nay có lẽ chúng ta cần phải tái phúc âm hoá gia đình, nỗ lực gieo hạt giống Tin Mừng trên mảnh đất gia đình. Tin mừng tình “hiếu thảo” của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha. Tin mừng về lòng thương xót của Chúa Cha. Tin mừng về tình huynh đệ giữa các anh chị em trong gia đình. Tin mừng về tình yêu hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.
Con đường của đối thoại tôn giáo
Trong một thế giới mà sự giao lưu giữa các nền văn hoá và các tôn giáo trở thành sự kiện phổ quát và bình thường, chúng ta không thể nào bỏ qua con đường đối thoại với các tôn giáo. Sứ điệp THĐGMTG 12 nhắc nhở chúng ta: “Cả các Kitô hữu chúng ta, dọc theo những con đường của thế giới, cũng được mời gọi đi vào cuộc đối thoại, trong sự kính trọng, với các thiện nam tín nữ các tôn giáo khác mà không rơi vào lập trường pha trộn các tôn giáo và làm suy giảm căn tính thiêng liêng của mình” (ib.số 14).
Thế giới hôm nay vẫn còn rất nhiều ngộ nhận giữa các tôn giáo. Nhiều nơi sự ngộ nhận đã đưa tới những xung đột đẫm máu, nhất là khi có những thế lực chính trị lợi dụng, nhằm phục vụ cho những ý đồ chính trị phe phái của mình. Vì Tin Mừng Tình yêu của Chúa Giêsu, chúng ta đừng ngại mở ra những con đường đối thoại. Đối thoại sẽ đưa đến sự gặp gỡ nhau trong tình yêu và chân lý. Đối thoại là điều vô cùng cần thiết, và không thể thiếu, là con đường của hy vọng, vì đối thoại là “khai thông”, là “mở ra”, không bao giờ khép lại. Đó là con đường tốt nhất để gieo hạt giống Lời Chúa.
Sứ điệp của THĐGMTG 12 có những dòng rất tích cực về các tôn giáo: “Kitô hữu cũng tìm thấy một hoà điệu chung với nhiều truyền thống tôn giáo vĩ đại của Phương Đông. Các trước tác thánh của họ dạy ta biết kính trọng sự sống, biết chiêm niệm, biết giữ thinh lặng, biết sống đơn giản, biết từ bỏ mình, như Phật giáo chẳng hạn” (số 15).Vấn đề đối thoại với các tôn giáo, tuy là một vấn đề rất quan trọng, đã bị nhiều người hiểu sai, và do đó làm chùn bước các sứ giả Tin Mừng. Điều này bó buộc Hội Thánh phải lên tiếng khẳng định lại cách mạnh mẽ và xác quyết sứ mạng loan báo Tin mừng Chúa Kitô của Hội Thánh và của mỗi người Kitô hữu. Đối thoại và loan báo Tin Mừng không đi ngược chiều. Đối thoại là con đường của tình yêu và chân lý, mà loan báo Tin Mừng là gieo hạt giống của Lời tình yêu và chân lý.
Con đường chính trị và kinh tế
Hội Thánh còn được mời gọi gieo hạt giống Tin Mừng vào trong các lãnh vực chính trị và kinh tế. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay là hậu quả của những hoạt động kinh tế không lành mạnh, vì không nhằm mục đích phục vụ và xây dựng lợi ích chung của xã hội loài người, nhưng chỉ vì lợi ích trước mắt của một số cá nhân muốn làm giàu bằng mọi giá.
Ngày hôm nay hơn bao giờ hết, cần phải có một nền đạo đức học trong kinh tế. Nền đạo đức học này không phải là một mớ lý thuyết trên mây trên gió, xa rời thực tại, nhưng góp phần định hướng nền chính trị và kinh tế nhằm đúng mục tiêu là phục vụ hạnh phúc của con người. Theo thiển ý của tôi, đạo đức của con người góp phần rất lớn làm cho nền kinh tế phát triển vững chắc, vì được xây dựng trên nền tảng là tình yêu và chân lý.
Những ảo ảnh trong kinh tế trước sau gì rồi cũng sụp đổ, và bấy giờ sẽ gây thiệt hại cho rất nhiều người. Việc tạo ra những giá ảo trong thị trường, vì mục đích lợi nhuận cá nhân, là một loại tội ác tương đương với ăn cướp và giết người. Quan niệm khá phổ biến trước đây trên khắp thế giới “thương trường là chiến trường”, là một quan niệm phi đạo đức, và ngày hôm nay đã tỏ ra lỗi thời.
Trái lại, thời đại ngày nay là thời đại của “liên đới trong kinh doanh”, liên đới trong phát triển. Độc quyền kinh tế cách tuyệt đối sẽ dẫn tới suy sụp, khi không còn ai có khả năng mua các sản phẩm của mình nữa. Ngày nay, thường là khi một quốc gia giàu lên, thì các quốc gia khác được nhờ. Một quốc gia suy sụp, có thể kéo theo sự suy sụp của nhiều quốc gia khác. Hiện nay, học thuyết xã hội công giáo tỏ ra rất ích lợi, góp phần cho việc định hướng chính trị và kinh tế.
Con đường của môi trường sinh thái
Môi trường sinh thái trong thế giới hôm nay cũng rất cần hạt giống Tin Mừng, để được tôn trọng và bảo vệ. Vạn vật đều được Thiên Chúa sáng tạo nhờ Lời và trong Lời, vì thế đều có tiếng nói. Tiếng nói đó yêu cầu chúng ta, không được vì lợi nhuận trước mắt mà huỷ hoại môi sinh, làm cho nhân loại không còn môi trường sống lành mạnh nữa. Cái đẹp của thiên nhiên vẫn là một nguồn hứng bất tận cho các sinh hoạt của con người, kể cả sinh hoạt tâm linh, làm cho con người có thể cất tiếng ca ngợi tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa.
Đấu tranh cho một môi trường sạch đẹp, không những về phương diện vật chất, mà cả về phương diện tâm linh là một ơn gọi rất hợp thời cho mọi Kitô hữu, đặc biệt là những người trẻ. Đấu tranh chống văn hoá đồi trụy, chống phim ảnh khiêu dâm là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta. Nhiều người theo Hồi giáo sợ Kitô giáo lôi kéo họ vào một nền văn hoá xấu xa bẩn thỉu phơi bầy những gì lẽ ra phải gìn giữ kín đáo. Họ cho rằng thế giới Phương Tây mà họ đồng hoá với Kitô giáo không còn sự “bẽn lẽn” cần thiết cho một môi trường xã hội lành mạnh.
Chân Thiện Mỹ vẫn là các giá trị nòng cốt cần thiết cho một môi trường sạch đẹp cả về vật chất lẫn tinh thần. Hạt giống Tin Mừng mà Hội Thánh gieo vãi sẽ trổ sinh hoa trái Chân Thiện Mỹ trong lòng con người và trong môi trường xã hội. Chính các hạt giống ấy sẽ làm sạch đẹp cho môi trường, sẽ tô điểm cho môi trường trở thành một ngôi nhà tuyệt mỹ cho loài người được kêu gọi trở nên gia đình Thiên Chúa tại trần gian.
Con đường của Di Dân
Hiện tượng Di Dân cũng là một sự kiện lớn trong thế giới hôm nay. Khắp nơi đều có người di dân, đặc biệt là tại đất nước Hoa Kỳ hiếu khách và tự do này, một đất nước được khai sinh từ nhiều dân tộc trên thế giới, một nơi mà con cháu của những người di dân, dù phát xuất từ đâu, vẫn có thể đạt tới vị trí quyền lực cao nhất.
Vì hoàn cảnh lịch sử, người Việt Nam chúng ta, đã trở thành một dân tộc có số di dân đông đảo, và rải rác khắp năm châu. Hãy coi đó như mệnh trời, như ý muốn của Thiên Chúa. Ngài muốn cho anh chị em trở thành sứ giả Tin mừng bất cứ nơi nào anh chị em đến. Nơi nào anh chị em cũng có thể gieo hạt giống Tin Mừng.
Bất cứ ở đâu, anh chị em cũng được hưởng nhờ những thành quả chung của xã hội tại đó, và vì thế anh chị em có nghĩa vụ góp phần xây dựng xã hội và Hội Thánh nơi mình sống và sinh hoạt. Sự góp phần lớn nhất của một Kitô hữu với quốc gia nơi mình được đón nhận là trở nên sứ giả Tin mừng Tình yêu và Chân lý tại đó.
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, nhân ngày thế giới Di Dân năm 2009, đã xem Thánh Phaolô vừa như một “Di Dân”, vừa là “một Tông đồ của chư dân”. Thánh Phaolô đã thực hiện một cách xuất sắc sứ mạng rao giảng Tin Mừng và vai trò trung gian giữa các nền văn hóa với Tin Mừng. Ngài quả thật là một mẫu mực tuyệt vời cho anh chị em là những người di dân.
Các cá nhân cũng như cộng đoàn Kitô hữu Việt Nam hãy mặc lấy cùng một lòng nhiệt thành tông đồ như thánh Phaolô, trong khi loan truyền cho mọi người về tình yêu của Thiên Chúa (Rm 8, 15-16; Gl 4, 6), chinh phục nhiều người hơn nữa cho Đức Kitô (1 Cr 9, 22). Hãy trở nên mọi sự cho mọi người, hầu có thể bằng mọi cách cứu vớt được một số (x. ibid.). Hãy là “men trong bột”, hãy là “muối đất” cho môi trường anh chị em đang sống, cho những nơi anh chị em đi đến.
LỜI KẾT
Sứ vụ rao giảng Tin Mừng, nói cách ngắn gọn, là “truyền thông” Tin Mừng Tình yêu và Chân lý của Đức Kitô cho con người, là làm sao “nối kết” con người với Thiên Chúa, và chúng ta thực hiện công việc đó trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Lời của thánh Phaolô, vị sứ giả xuất sắc của việc loan báo Tin Mừng, vẫn hết sức thiết thực cho thời đại chúng ta: “Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi?... Ấy vậy, có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố Lời Đức Kitô” (Rm 10, 14-17).
Với bí tích Rửa tội đã lãnh nhận, tất cả chúng ta, giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân, đều thông phần vào sứ vụ loan báo Tin Mừng Tình yêu và Chân lý của Đức Kitô, trên những nẻo đường khác nhau của cuộc đời mỗi người chúng ta. Điều cần thiết và quan trọng là làm sao cho Tin Mừng được vang lên khắp nơi, đến tận cõi bí ẩn của tâm hồn mỗi kiếp người.
Như thế, công cuộc loan báo Tin Mừng Tình yêu và Chân lý của Đức Kitô khởi sự trước hết nơi mỗi người chúng ta, nghĩa là sứ giả loan báo Tin Mừng phải biết để cho con người và cuộc đời mình được Tin Mừng biến đổi trong quyền năng của Chúa Thánh Thần. Sức mạnh của lời loan báo của chúng ta chỉ có thể có được khi chúng ta biết để cho mình được loan báo bởi Lời. Chỉ những ai được ban tặng một đức tin công giáo tinh tuyền, trưởng thành và thuyết phục mới có nhiều cơ may dấn thân cho công cuộc loan báo Tin Mừng đích thực.
Chỉ những Kitô hữu biết chìm sâu trong mầu nhiệm cứu độ của Đức Kitô và hạnh phúc trong hành trình đức tin của cuộc đời mình giữa lòng Hội Thánh mới có nhiều cơ may dấn thân hiệu quả và không cực đoan trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Và như thế, chỉ những sứ giả biết say mê tình Chúa và thấm đẫm tình người mới có khả năng “nối kết” con người với Thiên Chúa.
Phaolô BÙI VĂN ĐỌC
Giám Mục Giáo Phận Mỹ Tho
Giám Mục Giáo Phận Mỹ Tho
No comments:
Post a Comment