Ca Đoàn Augustino

Tuesday, October 25, 2011

Hành trang yêu thương trên đường truyền giáo

CHÚA NHẬT XXX TN A (2011) – Chúa Nhật Truyền Giáo

Trong tuần lễ vừa qua, các phương tiện truyền thông trên thế giới đồng loạt nóng lên bởi 2 sự kiện : một tại châu Á, một tại châu Phi. Cả hai sự kiện đều liên quan tới hai cái chết. Cái chết thứ nhất xảy ra tại một đất nước được mệnh danh là theo ý thức hệ vô thần, xây dựng xã hội chủ nghĩa trên nền tảng vô tôn giáo : đó là cái chết của em bé 2 tuổi mang tên Duyệt Duyệt (Yue Yue), khi bị 2 chiếc xe tải đâm và bỏ nằm trên đường trước sự lãnh đạm thờ ơ, vô cảm của 18 người đi ngang qua mà không động tỉnh gì hết. Cái chết thứ hai tại một đất nước được xây dựng trên nền tảng tôn giáo độc thần- Hồi Giáo, tôn thờ Đấng Allah, mà kẻ bị chết và những người giết chết, lại đều có chung một niềm tin sâu sắc vào Thượng Đế. Cái chết thê thảm của cựu tổng thống Libya, Moammar Gadhafi do các chiến binh của lực lượng NTC thực hiện.



Qua 2 cái chết tại hai vùng trời xa nhau và khác nhau vời vợi đó, chúng ta nghiệm ra điều gì ?

Riêng tôi, tôi nghiệm ra rằng :

- Khi một xã hội chủ trương chỉ nhắm đến con người mà loại trừ tôn giáo, bất cần Thượng Đế, thì chắc chắn môi trường xã hội đó sẽ tạo nên những con người vô cảm, thờ ơ và lãnh đạm với đồng loại.
- Và khi một xã hội tôn thờ Thượng Đế cách cuồng tín, tạo nên một Thượng Đế theo những tham vọng và đam mê của mình, thì sẽ tạo nên những con người bất nhân, xem đồng loại như cỏ rác.

Và như thế, đây lại là nội dung mà sứ điệp Lời Chúa hôm nay muốn gởi gắm cho chúng ta qua chân lý nền tảng được Chúa Giêsu khẳng định : “Mến Chúa trên hết mọi sự” (Đnl 6,5) và “yêu thương anh em như chính mình” (Lv 19,18).

Đối với những ông Biệt Phái, những người thường vỗ ngực tự xưng mình là kẻ sùng đạo bật nhất, thì :

Vì “mến Chúa trên hết mọi sự” nên người ta có thể mặc kệ những người phung cùi chết đau thương ngoài hoang mạc vì đụng tới họ sẽ bị nhiễm uế và mất đi sự tinh trong thánh thiện đẹp lòng Thiên Chúa.
Vì “mến Chúa trên hết mọi sự”, nên người ta khinh khi và cách ly những tên thu thuế (như Matthêu, Giakêu…) mà dưới mắt của những người đạo đức chỉ là những tên vô lại và tội lỗi mà nếu tiếp cận sẽ kéo theo tội lỗi xúc phạm đến Chúa.

Vì “mến Chúa trên hết mọi sự”, nên người ta sẵn sàng rình bắt cho được một phụ nữ yếu đuối lỡ làng phạm tội ngoại tình và sẵn sàng ném đá cho chết đáng đời.
Vì “mến Chúa trên hết mọi sự” nên họ không thể chấp nhận một ngôn sứ lại giao du với phường tội lỗi lại để cả những cô gái điếm đụng chạm đến mình…

Và như Tin Mừng hôm nay vừa kể, để “trắc nghiệm” bài giáo lý và lập trường đức tin cơ bản nầy, họ đợi chờ Chúa Giêsu bày tỏ thái độ có “mến Chúa trên hết mọi sự” như họ không nên họ đã dàn dựng một màn phỏng vấn : “Thưa Thầy trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất ?”.

Thật là may mắn ! Như một người đạo đức bình thường trong truyền thống đức tin của cha ông, Đức Kitô đã trả lời đúng phóc lời dạy của sách Đệ Nhị Luật 6,5 mà người Do Thái nào cũng đọc thuộc như một lời kinh : “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn người”.

Nhưng hơn thế nữa, Ngài đã móc lại một điều được ghi trong một sách Kinh Thánh khác, sách Lêvi, mà có lẽ, những ông biệt phái, những thầy ký lục ít khi đọc đến hoặc xem thường : “Còn điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy, là : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Lv 19,18).

Và có lẽ lời phán quyết kế tiếp sau đó của Chúa Giêsu đã làm họ giựt mình : “Tất cả luật Môsê và sách các ngôn sứ tùy thuộc vào hai đều răn ấy”.
Như vậy đã quá rõ ràng, với lập trường sống đạo và quan niệm đức tin cả Chúa Giêsu, trong giới răn “mến Chúa trên hết mọi sự” phải bao hàm “yêu thương anh em như chính mình”.
Toàn bộ cuộc đời công khai của Chúa Gieessu là một thuyết minh sống động và cụ thể cho chân lý nền tảng nầy :

- Để thực thi ý định cứu độ của Chúa Cha, Ngài đã chen chân giữa đám dân đen để cùng họ lội xuống dòng sông Giođan cho ông Gioan làm phép rửa.

- Để mặc khải dung mạo yêu thương và quyền năng của Thiên Chúa, Ngài đã tiếp cận với những người cùi hũi đáng thương để chữa lành họ và đem họ trở về cuộc sống bình thường ; đã đón nhận những giọt nước mắt thống hối của người đàn bà tội lỗi Maria Mađalêna để chị hoàn lương làm lại cuộc đời mới ; đã tỏ thái độ cảm thông và kính trọng người phụ nữ ngoại tình để cuối cùng trao ban một phán quyết đầy nhân ái yêu thương : “Phần Ta, Ta cũng không kết án chị đâu”.

- Và để công cuộc cứu độ của Thiên Chúa được tiếp nối giữa loài người, Ngài đã sẵn sàng quỳ xuống rửa chân cho các môn sinh để dạy họ bài học cụ thể yêu thương phục vụ và sai họ ra đi để làm chứng về giới răn yêu thương đó : “Người ta cứ dấu nầy mà nhận biết anh em là môn sinh của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau”.

- Và sau cùng, Ngài sẵn sàng chịu chết giữa hai tên trộm cướp để hoàn thành lời chứng cuối cùng : chết vì yêu thương anh em chính là của lễ đẹp nhất để tôn vinh và yêu mến Thiên Chúa…

Và kể từ độ ấy, trong “cuộc hành trình đức tin” của Dân Chúa, đã có biết bao nhiêu chứng từ và chứng tá tuyệt vời của cuộc sống “mến Chúa – yêu người” theo cung cách Giêsu mà Hội Thánh đã trân trọng tuyên dương là những bậc thánh nhân để muôn người chiêm ngưỡng và cất bước noi theo.

- Một Maria Goretti, mới 14 tuổi đầu, sẵn sàng chịu đâm mười mấy nhát dao để bảo toàn luật Chúa-đức khiết trinh ; thế nhưng, trong cơn hấp hối, đã thều thào những lời yêu thương kẻ làm khốn mình : “Con đã tha thứ cho anh ấy”.

- Mẹ Têrêsa thành Calcutta, người lãnh giải Nobel Hòa bình năm 1978, dành cả một đời để yêu thương phục vụ những người cùng khốn nhưng hằng ngày không bao giờ thiếu những giờ thinh lặng nguyện cầu sốt sắng trước Thánh Nhan Thiên Chúa…

Phải chăng Giáo Hội và thế giới đang rất cần những con người như thế, những con người diễn tả đức tin bằng hai thanh dọc và ngang của cây Thánh giá : Dọc để hướng lên trời mà “Mến Chúa” và ngang để dang rộng vòng tay “yêu người”. Bởi vì chỉ có những con người sống trọn vẹn niềm tin với hai chiều kích cơ bản đó mới đem lại một thế giới an bình và hạnh phúc, một thế giới thấm tình huynh đệ đại đồng đối xử với nhau như anh em trong đại gia đình con cái Thiên Chúa.

Có thể em bé Duyệt Duyệt ở Phật Sơn Trung Quốc sẽ vẫn còn sống, nếu em không bị bỏ lại một mình quá lâu trên đường vì thái độ thờ ơ vô cảm của những con người mà có lẽ họ đã từng được dạy cho : “con người là tất cả”. Hy vọng trong số 2 tài xế xe tải và 18 người đi qua trước em bé bị thương kia sẽ không có một người nào là Kitô hữu, những người mà Đức Kitô đã dạy cho bài học yêu thương qua dụ ngôn “Người Samari nhân hậu” :

Tình cờ, có thầy tư tế đi xuống trên đường ấy. Trông thấy người nầy, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy và chạnh lòng thương….(Lc 10,29-37)

Và có thể ông đại tá Gadhafi đã không bị giết chết cách tàn bạo, thê thảm và nhục nhẫ vì thù hận, nhưng sẽ được xét xử đàng hoàng theo tiêu chuẩn của luật pháp văn minh, nếu những kẻ bắt được ông còn nhìn nhận được rằng ông vẫn là một con người mang ảnh hình Thượng Đế, một người anh em trong đại gia đình con cái Đức Allah.

Vì thế, chúng ta có thể nói được rằng : Mến Chúa-Yêu người : không phải luật dành riêng cho Do Thái giáo, Kitô giáo mà là cho toàn thể nhân loại. Đó là con đường, là phương thế đã, đang và sẽ mãi mãi cần cho sự tồn tại và phát triển của thế giới.

Hôm nay lại là ngày Khánh Nhật Truyền giáo. Sứ điệp Lời Chúa hôm nay “Mến Chúa-Yêu người”, quả thật là một hành trang cần thiết và đầy ý nghĩa để cộng đoàn Giáo Hội, để mỗi người Kitô hữu chúng ta mang theo trên mọi bước đường tông đồ. Kết quả của công cuộc truyền giáo chính là hoa quả của yêu thương. Nếu không có yêu thương thì việc loan báo Tin Mừng cũng chỉ là một chiến thuật tuyên truyền mị dân và chắc chắn về lâu về dài, sẽ không thuyết phục được ai đón nhận Tin Mừng Cứu Độ, như lời xác quyết của nhà truyền giáo vĩ đại Phaolô : “Giả như tôi nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng…” (1 Cr 13,1)

Tuy nhiên, Đức Ái là một “nhân đức đối thần”. Không dễ gì tự sức chúng ta có thể “mến Chúa-yêu người’ cách ngon ơ như “thò tay lấy đồ trong túi”, mà phải như Thánh Phaolô, từng phút giây tha thiêt nguyện cầu để Chúa Thánh Thần “đổ tràn tình yêu vào tâm hồn chúng ta”, như Á thánh Têrêsa Calcutta : “Con xin Chúa hôm nay cũng như mỗi ngày, hãy vui lòng dạy con tình yêu, để con cũng vậy, con biết yêu”. Amen.



LM. Giuse Trương Đình Hiền
ghphuyen.com

No comments:

Post a Comment