Ca Đoàn Augustino

Friday, January 25, 2013

Tại sao chúng ta phải truyền giáo?



Vâng, câu hỏi này muôn thưở cứ đi theo day dứt những người Kitô hữu. Tại sao chúng ta phải truyền giáo? Trong quá khứ, có lẽ đã có người trả lời rằng: bởi vì chỉ có đạo Công giáo mới là đạo thật, còn các đạo khác dạy điều dối trá sai lầm, thờ lạy bụt thần ma quỷ! Nhưng thực tế, câu trả lời ấy không còn đứng vững khi mà hiện nay người ta nhận thấy rằng không phải các tôn giáo đều dạy điều quấy quá.



Thông điệp “Sứ mạng Đấng Cứu Thế” số 11 đã trình bày lý do phải Truyền giáo một cách khác. Ngoài mệnh lệnh của Đức Kitô sai các môn đệ đi khắp thế giới giảng đạo, Đức Gioan Phaolô II đặt nền tảng của việc truyền giáo trên quyền lợi cao quý nhất của con người, đó là quyền của con người được biết sự thật. Hội thánh cần phải tôn trọng quyền đó, nghĩa là phải nói cho con người biết sự thật về phẩm giá cao quý của mình. Phẩm giá ấy hệ tại việc Thiên Chúa yêu thương con người, mời gọi con người thông dự vào sự sống của Ngài, nhờ hồng ân cứu rỗi qua Đức Kitô. Hoạt động truyền giáo, nhằm phục vụ chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa, đồng thời cũng nhằm phục vụ con người. Truyền giáo là chúng ta muốn thông đạt cho tha nhân hồng ân đức tin quý báu mà chúng ta đã lãnh nhận, và hồng ân ấy liên hệ tới hạnh phúc của mọi người.
Sắc lệnh Truyền giáo cũng của Công đồng Vaticanô II cũng đề ra 3 lí do :

1/ Chúa Giêsu trước khi về trời đã dạy: " Các con hãy đi dạy dỗ muôn dân: rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, và dạy họ giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con" (Mt 28,19-20). Nên Hội Thánh phải vâng lời Đức Kitô mà thi hành sứ mạng truyền giáo cho muôn dân.
2/ Chúa dạy: "Hãy đi khắp trần gian rao giảng Phúc Âm cho hết mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép Rửa sẽ được cứu rỗi: còn ai không tin sẽ bị luận phạt" (Mc 16,15). Vì Giáo hội gọi là Công giáo nên phải truyền giáo cho mọi người, ở mọi nơi trên khắp thế giới do những đòi hỏi căn bản của Công giáo tính.
3/ Với lời mời gọi "Chúng con là muối đất và ánh sáng trần gian" (Mt 5,13-14), nên theo Công đồng Vaticanô 2, "Trong tình trạng thế giới hiện nay đặt nhân loại trong một hoàn cảnh mới, vì thế Giáo Hội, càng được kêu mời khẩn thiết hơn để cứu rỗi và canh tân mọi loài, hầu mọi sự được tái lập trong Chúa Kitô, và nơi Ngài mọi người họp thành một gia đình và một Dân Chúa duy nhất" (Sắc lệnh Truyền giáo số 4)
Truyền giáo như là tham dự vào sứ vụ của Chúa Ba Ngôi, truyền giáo như là phục vụ giải phóng của Vương Quốc nước Thiên Chúa, truyền giáo như là rao truyền Đức Kitô Giêsu Đấng Cứu độ hoàn vũ. Những ý tưởng đó như là lời giải đáp cho cái Tại sao, Truyền giáo một thực tại đơn giản nhưng đa dạng và phức tạp.
Truyền giáo là bản chất và là đời sống cuả Giáo Hội. Vì thế, Giáo hội luôn tìm kiếm và khám phá không ngừng những phương thức truyền giáo mới phù hợp với con người mới và thời đại mới, qua những đóng góp không mệt mỏi của các chuyên gia truyền giáo và các nhà thần học. Họ là những người luôn sáng kiến những ý tưởng và cung cấp cho Giáo hội những phương cách mới dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội và soi sáng của Chúa Thánh Thần.
Cảm nghiệm sâu xa về lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa và ý thức về lệnh truyền giáo của Đức Giêsu Phục sinh, mỗi người cũng phải luôn canh cánh trong lòng như lời thánh Phaolô : "Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng" (1C 9,16). Và thánh Phaolô còn căn dặn mọi người : "Phải rao giảng Lời, lúc thuận cũng như lúc nghịch” (2Tm 4,1-2). Như thế, lời của Chúa Giêsu nói với các Tông Đồ xưa : "Ra khơi mà thả lưới đánh cá" (Lc 5,4), vẫn vang vọng nơi tâm hồn mỗi người và như lời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viết : "… Với tư cách là những tông đồ đích thực, trong những giờ khắc âu lo, ta hãy hướng nhìn về Chúa để thưa với Ngài, chúng con sẽ tiếp tục thả lưới, cho dù phải hy sinh và bị hiểu lầm, chúng con phải công bố sự thật đầy đủ và chính thực về con người của Ngài, về Hội Thánh mà Ngài đã thiết lập, về con người và thế giới đã được cứu chuộc bằng máu Ngài, chứ không theo chủ trương giảm trừ giản lược hay diễn tả một cách mơ hồ, dị nghĩa”
Tại sao lại truyền giáo? Bởi vì, chúng ta cũng như Thánh Phaolô "được ân sủng là để rao giảng cho Dân Ngoại các kho tàng khôn lường của Chúa Kitô" (Eph.3:8). Sự sống mới trong Chúa Kitô là một "Tin Mừng" cho con người nam nữ ở mọi thời đại: tất cả mọi người được kêu gọi đến sự sống mới này và được ấn định để thừa hưởng sự sống ấy. Thật vậy, tất cả mọi người đang tìm kiếm sự sống ấy, mặc dù có những lúc tìm kiếm bằng một đường lối lầm lẫn, và mọi người đều có quyền biết đến giá trị của tặng ân này, cũng như được tự do tiến đến với tặng ân ấy. Giáo Hội cũng như mọi người Kitô hữu ở trong Giáo Hội không được giữ kín hay độc quyền trên sự sống mới và trên kho tàng họ đã lãnh nhận bởi Tình yêu Thiên Chúa mà phải thông truyền cho toàn thể loài người. Nghĩa là phải Truyền Giáo.
Ðó là lý do tại sao việc truyền giáo của Giáo Hội phát xuất chẳng những từ lệnh Chúa truyền, mà còn từ những đòi hỏi sâu xa nơi sự sống của Thiên Chúa ở trong mỗi chúng ta nữa. Những ai được tháp nhập vào Giáo Hội Công Giáo phải cảm nhận được đặc ân này, và chính vì lý do đó, họ càng buộc phải làm chứng cho đức tin cũng như cho đời sống Kitô giáo, như là một việc phục vụ anh chị em của mình , như là một đáp ứng tương xứng với Thiên Chúa và như là Tình yêu đáp đền Tình yêu. Họ luôn luôn phải nhớ rằng, "họ có được vị trí nổi nang không phải là do công lênh của họ, mà là do ân sủng đặc biệt của Chúa Kitô; và nếu họ không đáp ứng ân sủng này trong tử tưởng, lời nói và việc làm, thì chẳng những họ sẽ không được cứu độ, họ còn bị phán xét nghiêm ngặt hơn nữa" (Công Ðồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 14).
st

No comments:

Post a Comment