Ca Đoàn Augustino

Tuesday, September 10, 2013

Truyền giáo theo tinh thần của thánh Đa minh

“Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ những điều Thầy truyền cho các con. (Mt 28, 17-19)

Sử liệu Dòng Thuyết Giáo có đoạn ghi: “Đâu đâu Thánh Đaminh cũng tỏ ra là con người của Tin Mừng, cả trong lời nói lẫn hành động. Ban ngày chẳng ai hiệp thông và dịu dàng với anh em hơn người; còn ban đêm thì cũng chẳng ai chuyên cần canh thức và cầu nguyện đủ cách hơn. Người chỉ nói với Chúa, tức là cầu nguyện, hay nói về Chúa mà thôi, và người cũng khuyên bảo anh em như vậy ’’.


Sống kết hiệp với Chúa và làm chứng về Ngài là hai thái độ sống không thể tách rời nhau, nếu một người làm chứng cho Chúa mà thiếu đời sống nội tâm thì đó là một nhân chứng giả dối. Vì Thánh Phaolô đã nói: “Không ai có thể cho cái mình không có’’.Ngay từ những ngày đầu tiên khi đi rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu đã mời gọi những người muốn đi theo Ngài “Hãy đến mà xem’’, nghĩa là đến vói Chúa, để sống với ngài trước khi được Ngài sai đi rao giảng Tin Mừng. Tất cả các Tông Đồ đều là những người trực tiếp sống với Chúa, nhờ đó các ngài đã lãnh nhận được ơn đức tin mạnh mẽ. Phêrô thay mặt các Tông Đồ đã tuyên xưng “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống ”. Được sống với Chúa và được học hỏi các giáo huấn của Ngài, các Tông đồ đã trở thành những chứng nhân sống động cho Chúa Kitô.Thánh Đa Minh mà chúng ta mừng kính hôm nay đã thấu hiểu và sống nguyên tắc đó cách triệt để: Ngài nói với Chúa rồiNgài mới nói về Chúa. Đêm về Thánh Đa Minh chuyên cần canh thức và cầu nguyện với Chúa, ngày đến Thánh Đa Minh ra đi rao giảng Tin Mừng. Canh thức và cầu nguyện với Chúa chính là nguồn mạch, là sức sống để thánh Đaminh nói với người khác. Chính gương sống Thánh thiện của Ngài là sức mạnh thuyết phục cho những lời ngài Nói, “lời nói lung lay, gương lành lôi kéo là thế ”.Bản chất của Hội Thánh là truyền Giáo, mỗi Kitô hữu chúng ta đều có bổn phận truyền giáo theo tinh thần của Công Đồng Vaticano II. Với Vatican II, (1962-1965), việc truyền giáo mang một ý nghĩa mới: việc truyền giáo là bổn phận chung của Giáo hội hoàn vũ. Việc truyền giáo theo chủ trương Vatican II là một khúc quanh và một bước tiến quan trọng trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng của toàn dân Chúa: việc truyền giáo chẳng phải chỉ một mình thánh bộ truyền giáo ở Rôma lãnh trách nhiệm, hay chỉ do các Hội Dòng đặc trách lo việc truyền giáo nhưng mà là bổn phận chung của mọi người hiệp thông với Tòa Thánh có đồng bổn phận và liên đới trách nhiệm trợ lực nhau trong việc rao giảng Tin Mừng cho toàn cầu và mỗi Kitô hữu đều có bổn phận truyền giáo trong đời sống.Nhưng mỗi Kitô hữu chúng ta trước khi là người rao giảng thì phải là người sống Tin Mừng trước đã. Nếu không thế thì chúng ta sẽ rơi vào trường hợp như có lời đã phê phán: “Tin đạo chứ không tin người có đạo”.Ngay cả các nước Kitô giáo ngày nay, đời sống xã hội bị tục hóa, sự thực hành sống Tin Mừng Đức Kitô bị xuống dốc. Giáo Hội Công Giáo ý thức trách nhiệm mình trong việc rao giảng Tin Mừng Đức Kitô trong xã hội đương thời. Cho nên, mỗi người Kitô hữu bất kỳ ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng cần phải được truyền giáo lại. Việc truyền giáo nầy mang ý nghĩa và chiều hướng mới là việc rao giảng Tin Mừng cho tất cả những ai, nhất là các Kitô hữu còn sống xa lạ với Tin Mừng Đức Kitô trong đời sống thường nhật giữa lòng xã hội ngày nay. Việc truyền giáo nầy được gọi là tái phúc âm hóa các Kitô hữu trong cuộc sống xã hội ngày nay.Đây là một thách đố lớn đối với Giáo hội hiện nay?Trong nghi thức phong chức Phó tế, khi trao sách Tin Mừng cho các Phó tế, Đức Giám Mục nói: “Hãy tin điều con đọc, hãy giảng điều con tin, hãy sống điều con giảng”. Thiết nghĩ đó cũng là câu dành cho mỗi người Kitô hữu chúng ta: Đọc – tin – sống – giảng Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô.Noi gương Thánh Đa Minh chúng ta cũng hãy luôn biết “nói với Chúa” và “nói về Chúa”. Nói với Chúa trong đời sống cầu nguyện, siêng năng lãnh nhận các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể – nguồn sức sống của chúng ta. Nói về Chúa trong cuộc sống thường nhật cho những người xung quanh bằng những hành động cụ thể như lời đề nghị của Đức Thánh Cha trong các chuyến công du thường nói đến: Ưu tiên người nghèo, công bình xã hội, công tác phát triển, nhân quyền, hy vọng nơi giới trẻ, cởi mở đối thoại…Lạy Chúa như cành nho liên kết với thân nho mới trổ sinh hoa trái, xin cho chúng con luôn biết kết hiệp với Chúa để chúng con có thể gặt hái được những kết quả tốt đẹp trong công cuộc truyền giáo. Xin Thánh Đa Minh cầu bầu cùng Chúa cho chúng con. Amen.

No comments:

Post a Comment