Ca Đoàn Augustino

Saturday, November 16, 2013

TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

ĐTGM. Ngô Quang Kiệt.
Trong năm Đức Tin, Giáo hội mời gọi ta hãy tuyên xưng đức tin. Việc tuyên xưng đức tin đem lại ơn cứu độ cho ta và làm hài lòng Thiên Chúa. Năm Đức Tin càng thêm ý nghĩa với lễ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Vì thánh Phêrô là người đầu tiên tuyên xưng đức tin. Và thánh Phaolô là người đầu tiên làm sáng tỏ đức tin. Hai vị thánh là nền tảng và là rường cột của Giáo hội. Vì với việc tuyên xưng đức tin của thánh Phêrô Chúa thiết lập Giáo hội. Và với việc truyền bá đức tin của thánh Phaolô Chúa phát triển Giáo hội. Noi gương các ngài tuyên xưng đức tin, ta hãy cùng các ngài mặc lấy những tâm tình cao quí.
Trước hết là tâm tình tạ ơn. Nếu hôm nay ta được vinh dự tuyên xưng đức tin thì đó chính là ơn lành Chúa ban.  Thật vậy, khi nghe thánh Phêrô mạnh mẽ tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúa Giêsu rất hài lòng, đã cất tiếng khen ngợi. Nhưng Chúa cũng cho ngài biết nguồn gốc đức tin là do Chúa ban: “Này anh Simon, con ông Giona, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời”. Với thánh Phaolô càng rõ ràng hơn. Việc ngài có đức tin là do cuộc ngã ngựa. Ngã ngựa là do Thiên Chúa làm. Nếu Chúa không can thiệp ngài không những không có đức tin mà còn hành động chống lại đức tin nữa. Chính ngài đã xác nhận trong thư Galát 3, 15-16: “Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại”. Quả thật đức tin là ân huệ lớn lao Chúa ban cho con người.
 
Tâm tình tạ ơn được tiếp nối bằng tâm tình yêu mến. Tin và yêu đi song song. Vì tin nên yêu. Và vì yêu nên tin. Càng tin càng yêu. Càng yêu lại càng tin. Vì thế, sau khi phục sinh, Chúa Giêsu không hỏi thánh Phêrô về đức tin, nhưng hỏi về tình yêu: “Simon con có yêu mến Thầy hơn những người này không”?(Ga 21, 15). Khi thánh Phêrô trả lời về tình yêu ngài đã xác nhận niềm tin. Vì thế một lần nữa Chúa gọi ngài: “Hãy theo Thầy”(Ga 21, 19). Và lần này theo Thầy có nghĩa là đi vào cái chết mà Chúa đã tiên báo. Thánh Phêrô bước theo với cả niềm tin và tình yêu đã chín mùi. Và ngài đã hiến dâng trọn vẹn trong cái chết chịu đóng đinh như Chúa. Còn thánh Phaolô yêu mến và hoàn toàn tin tưởng phó thác nên đã bộc lộ: “Tôi mong được lìa bỏ thân xác để được ở bên chúa” (2Cr 5, 8). Nên đối với ngài “ sống là Chúa Kitô và chết là một mối lợi” (Phil 1, 21). Tin chính là hoàn toàn dâng hiến trong tình yêu.
Tiếp đến là tâm tình khiêm nhường.  Ai đã có kinh nghiệm trong đời sống đức tin đều biết khiêm nhường. Vì tin là điều vượt quá sức con người. Thánh Phêrô đã hăng hái theo Chúa. Nhưng ngài đã học được biết bao bài học thất bại đắng cay. Thánh Phaolô dù tin tưởng và yêu mến cao độ. Nhưng vẫn còn đó một cái dằm đâm vào da thịt. Và tệ hơn nữa, bị thủ hạ Satan vả mặt nhục nhã. Và đã có kinh nghiệm đớn đau về những yếu đuối của bản thân khi “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm”(Rm 7, 19). Cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với thánh Phêrô bên bờ hồ Genêsareth (Ga 21, 15-19) là một minh họa.
Trong tiếng Hi lạp, động từ “fileo” chỉ tình yêu của bạn bè, dịu dàng nhưng không hoàn toàn hết mình. Còn động từ “agapao” có nghĩa là tình yêu không tính toán, toàn vẹn, và không điều kiện. Lần thứ nhất Chúa Giêsu dùng động từ “agapao” để hỏi xem thánh Phêrô có yêu Chúa bằng tình yêu trọn vẹn không điều kiện không.  Nhưng thánh Phêrô, do kinh nghiệm đau thương quá khứ, không dám dùng động từ “agapao”, mà chỉ trả lời bằng động từ “fileo”. “Lạy Chúa Chúa biết rõ mọi sự. Chúa biết rõ con người yếu đuối bất trung của con. Con chỉ có thể yêu Chúa bằng tình yêu nghèo nàn của con người bất toàn thôi”. Lần thứ hai Chúa lại hỏi bằng động từ “agapao”. Và thánh Phêrô  vẫn trả lời bằng động từ “fileo”. Và thật lạ lùng. Lần thứ ba Chúa hạ xuống để cùng thánh Phêrô dùng động từ “fileo”. Như thế Chúa chấp nhận thánh Phêrô chỉ cần có tình yêu nghèo nàn của loài người là đủ. (POPE BENEDICT,The Apostles, Our Sunday Visitor Inc. 2008, p. 70). Nghe Chúa hỏi 3 lần, thánh Phêrô buồn không phải vì bị hỏi nhiều lần, nhưng buồn vì mình không xứng đáng đáp lại lời mời gọi của Chúa, vì biết đó là điều vượt quá sức mình. Sau khi sa ngã, thánh Phêrô đã chín mùi trong đức khiêm nhường. Và với đức khiêm nhường thẳm sâu, đức tin của ngài càng thêm vững chắc. Cũng vì tin là điều vượt quá sức nên tin thật là một cuộc chiến như thánh Phaolô cảm nghiệm trong thư 2 Timôthê: “Tôi đã đấu trong cuộc đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin”. Như thế ta hiểu rằng tin là một sự liều lĩnh, là một cú nhảy để vượt một khoảng cách hầu như quá sức con người. Vì thế tin phải luôn khiêm nhường để xin ơn Chúa trợ giúp niềm tin yếu kém của ta. Và vì thế tin sẽ đi đến phó thác.
Sau cùng là tâm tình phó thác. Ta không khỏi ngỡ ngàng khi Chúa nói: “Phêrô, con là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”. Phêrô là Tảng Đá. Nhưng ai cũng biết rằng tảng đá này rất mong manh. Chính Phêrô cũng biết rõ điều đó. Tảng Đá này chỉ vững chắc nhờ đức tin. Nhờ phó thác vào Chúa Giêsu là Viên Đá Góc Tường.  Chúa xây Hội Thánh trên tảng đá là đức tin của Phêrô. Chính đức tin vào Chúa Giêsu là nền tảng. Và Hội Thánh chỉ vững bền, thắng được cửa hỏa ngục là nhờ tựa vào Chúa Giêsu Viên Đá Góc mà thôi. Đức tin kêu gọi đức tin. Nếu Giáo hội là phần thưởng Chúa dành cho cuộc tuyên xưng đức tin của thánh PHêrô thì Giáo hội cũng mời gọi ta gia tăng đức tin vào Chúa. Vì chỉ có đức tin mạnh mẽ mới làm cho Giáo hội được vững vàng và phát triển mặc dù các cửa hỏa ngục gầm thét, quấy phá.
Ta hãy vui mừng tạ ơn Chúa đã ban cho ta hồng ân đức tin lớn lao. Chính nhờ đức tin mà ta được cứu độ. Chính nhờ đức tin mà Giáo hội bền vững và phát triển.
Xưa kia Chúa đã nói với thánh Phêrô : “Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22, 32). Xin cầu nguyện cho các vị chủ chăn, Đức Thánh Cha, các giám mục chúng tôi được vững vàng qua các chao đảo. Qua những yếu đuối, biết thông cảm và nâng đỡ đức tin cho anh em mình.
Hôm nay Học viện và Tập viện Châu sơn Nho quan kết thúc niên học để bước vào mùa hè. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì Đan viện Châu sơn Nho quan luôn là dấu chỉ của tình thương và sức mạnh của Chúa. Nhờ đó các bậc tiền nhân của chúng ta luôn giữ vững được đức tin qua các gian nan thử thách. Và nhờ đó chúng ta càng thêm vững vàng tin tưởng đây là công trình của Chúa, cửa hỏa ngục không thể phá được.
Hôm nay các chị Tu hội HIệp nhất và dòng Phaolô Thiện bản dâng lễ tạ ơn vì Chúa ban cho một tuần tĩnh tâm sốt sắng. Xin cho các chị tiếp tục cảm nghiệm thấy bàn tay Thiên Chúa trong đời phục vụ, để thêm tin tưởng và làm chứng cho đức tin tại môi trường các chị làm việc.
Ý thức tầm quan trọng của đức tin, ta hãy cùng các tông đồ cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con” (Lc 17, 5). Amen.

Lễ hai thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ
TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
Cv 12, 1-11; 2Tm 4, 6-8.16b.17-18; Mt 16, 19-22

No comments:

Post a Comment