Lm. Giuse Đinh Đức Đạo
Công cuộc truyền giáo đã được Đức Thánh Cha nói đến trong phần chót của tông thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Tới, đặc biệt trong hai số 56 và 57. Việc truyền giáo được nói sau cùng không có nghĩa là kém phần quan trọng, nhưng là coi đó như cao điểm, kết quả của tất cả nỗ lực hối cải và canh tân cuộc sống của Giáo Hội trong Năm Thánh 2000. Do đó, công cuộc truyền giáo nói lên sức sống mãnh liệt đã vươn lên trong lòng Giáo Hội và mở rộng trước mắt một viễn tượng mênh mông bát ngát của sứ mệnh. Đó là viễn tượng các hoạt động của Chúa Thánh Thần dẫn dắt Giáo Hội rộng mở biên cương, ra đi đem Tin Mừng ơn cứu độ đến tận cùng thế giới: "Giáo Hội chỉ nhắm có một điều duy nhất, đó là, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, tiếp tục chính công việc của Chúa Kitô, Đấng đã đến trong thế gian để làm chứng cho sự thật, để cứu độ chứ không phải để kết án, để phục vụ chứ không phải để được phục vụ" (NNTB, 56).
Sau lời xác nhận đó, Đức Thánh Cha đã lược lại tất cả lịch sử công cuộc truyền giáo của Giáo Hội bắt đầu ngay từ thời kỳ phôi thai và sau cùng kết luận: "Trong tương lai, Giáo Hội vẫn tiếp tục là một Giáo Hội truyền giáo vì đặc tính truyền giáo nằm trong chính bản tính của Giáo Hội" (NNTB, 57).
Đề tài này có mục đích tìm hiểu thực trạng truyền giáo hiện nay dưới ánh sáng của những tác động của Chúa Thánh Thần để tìm ra những là những áp dụng cụ thể cho đời sống người tín hữu được kêu gọi dấn thân đem Tin Mừng đến cho thế giới. Để ý tưởng có phần mạch lạc, đề tài sẽ được diễn tả từ từ theo 3 điểm chính yếu: 1) Ý nghĩa và thực tại công việc truyền giáo; 2) Sự quan hệ mật thiết giữa công tác truyền giáo và sự hiện diện của Chúa Thánh Thần; 3) Đời sống tâm linh trước sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.
I. Ý NGHĨA VÀ TÌNH TRẠNG CÔNG VIỆC TRUYỀN GIÁO
Công cuộc truyền giáo được nhiều người nhắc nhở, nhưng ý nghĩa nhiều khi lại được hiểu một cách khác nhau. Vì vậy, việc trước tiên cần phải làm là tìm hiểu rõ ràng ý nghĩa đích thực của công việc truyền giáo.
Theo giáo huấn của thông điệp Sứ Mệnh Đấng Cứu Thế (số 30, 33 và 34), Giáo Hội chỉ có một sứ mệnh là rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Giêsu để mọi người có thể cảm nghiệm được tình yêu của Ngài, yêu mến và tin theo Ngài. Tuy nhiên, tùy theo đối tượng và hoàn cảnh, sứ mệnh đó được phân biệt ra 3 công tác khác nhau tuy luôn liên quan mật thiết với nhau:
a) Đối tượng và hoàn cảnh thứ nhất của sứ mệnh của Giáo Hội là các cộng đồng các tín hữu công giáo đang sống đức tin cách thành tín. Tuy đã thành tâm tin theo Chúa, đức tin của họ cần phải được bồi dưỡng luôn và phải dược vun tưới cho thêm sâu đậm. Sứ mệnh thực hiện trong môi trường này gọi là công tác Mục Vụ (pastoral care).
b) Đối tượng và hoàn cảnh thứ hai của sứ mệnh của Giáo Hội, được thông điệp Sứ Mệnh Đấng Cứu Thế gọi là hoàn cảnh nửa mạc nửa mỡ (intermediary situation). Đây là hoàn cảnh của các nhóm tín hữu kitô đã chịu phép rửa, và đã tin theo Chúa nhưng, vì những thay đổi văn hóa xã hội quá dồn dập và xa lạ đối với tinh thần Tin Mừng, cuộc sống của họ bị giằng co và chi phối trăm đường. Do đó đức tin của họ bị lung lay, có khi trở thành nguội lạnh. Sứ mệnh trong môi trường đặc thù này gọi là Tân Phúc Âm Hóa (new evangelization), nhắm củng cố đức tin của những người đang lung lay và làm cho trở nên sống động, có sức soi sáng và hướng dẫn cuộc đời trong mọi môi trường sống.
Cũng có những hoàn cảnh khó khăn đến độ gây ra khủng hoảng đức tin nặng nề hơn và do đó có những tín hữu coi như hoàn toàn mất đức tin, sống một cuộc sống xa cách Chúa và chạy theo những tâm thức hoàn toàn xa lạ đối với tinh thần Tin Mừng. Thậm chí, có những tín hữu không còn coi mình là con cái Giáo hội và nhiều khi còn chê bỏ và chống đối các giáo huấn của Giáo Hội và ngay cả Giáo Hội. Trong trường hợp này, sứ mệnh Tân Phúc Âm Hóa trở thành Tái Phúc Âm Hóa (re-evangelization).
c) Đối tượng và hoàn cảnh thứ ba của sứ mệnh của Giáo Hội là các dân tộc, các nhóm người, hay các môi trường khoa học và văn hoá xã hội trong đó Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài còn xa lạ, chưa được biết và chưa được chấp nhận hay chỉ được biết cách lơ mơ và tại đó chưa có một cộng đồng kitô trưởng thành. Sứ mệnh rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Giêsu trong hoàn cảnh và môi trường này gọi là công tác Truyền Giáo (mission "ad gentes").
Trong phạm vi bài suy tư này, công tác truyền giáo được hiểu theo ý nghĩa đặc thù trên. Đó là sứ mệnh đem Tin Mừng đến cho những anh chị em chưa biết và chưa chấp nhận Chúa Giêsu như Đấng Cứu Thế, đã được Thiên Chúa hứa từ ngàn đời, ngay khi tổ tiên loài người phạm tội từ khước Thiên Chúa.
Với ý nghĩa đặc thù đó, công cuộc truyền giáo mở ra trước mắt Giáo Hội viễn tượng của một thế giới còn xa lạ và xem ra mỗi ngày mỗi xa lạ hơn với Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài. 2000 năm sau ngày Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc nhân loại, xuống thế, Ngài vẫn còn là một người vô danh, xa lạ đối với phần đông nhân loại. Viễn tượng đó được nói lên cách rất rõ ràng ngay từ những dòng đầu tiên của thông điệp Sứ mệnh Đấng Cứu Thế: "Chu toàn sứ mệnh của Chúa Giêsu Đấng Cứu Thế, đã được giao phó cho Giáo Hội là một viễn tượng rất xa vời. Đưa mắt nhìn tình trạng toàn thế giới hôm nay, hai ngàn năm sau ngày Chúa xuống thế thì thấy là sứ mệnh đó vẫn còn ở trong tình trạng khởi đầu và chúng ta phải dồn tất cả nỗ lực để thực hiện sứ mệnh đó" (SMĐCT, 1).
Vấn đề đã trầm trọng lại càng trầm trọng hơn vì tính cách linh động của dân số. Điều đó có nghĩa là tương quan giữa số người đã biết và tin theo Chúa Giêsu và những người chưa nhận biết Ngài không giữ nguyên tình trạng hiện nay, nhưng hố ngăn cách mỗi ngày mỗi thêm rộng lớn hơn. Theo nhịp tăng tiến của dân số hiện nay, những người chưa nghe biết và chưa tin Chúa cứ tăng mãi. Thông điệp Sứ Mệnh Đấng Cứu Thế nói là "từ ngày Công Đồng Vaticanô bế mạc đến nay, số người chưa biết Chúa Giêsu đã tăng lên gần gấp đôi" (SMĐCT, 3). Để có một cái nhìn cụ thể hơn, chúng ta có thể đan cử ra đây mấy con số thống kê:
Theo thống kê của cuốn Bách Khoa Tự Điển rất nổi tiếng về các Tôn giáo do David Barrett thực hiện và sửa chữa lại mỗi năm trong tạp chí International Bulletin of Missionary Research, thì trong năm 1990, dân số hoàn cầu là 5.297.042.000 người, trong khi đó số tín đồ của tất cả các giáo hội kitô là 1.758.777.900 người. Như vậy có nghĩa là vào năm 1990, số người chưa biết và chưa tin theo Chúa Kitô là 3.538.264.100 người (David B. Barrett, "Status of Global Mission, 1990, in context of 20th Century", inInternational Bulletin of Missionary Research, vol, 14, n. 1, January 1990, p. 27).Cứ theo đà tăng hiện thời của dân số thì vào năm 2000, dân số hoàn cầu sẽ lên tới 6.158.051.000 người; số tín hữu kitô sẽ tăng lên được 2.119.341.000 người. Như thế, khi chúng ta bước vào ngưỡng cửa năm 2000, số người chưa biết và chưa tin theo Chúa Giêsu sẽ vụt lên tới con số 4.038.709.000 (Thống kê 2000: David B. Barrett, "Status of Global Mission, 1996, in context of 20th and 21st Centuries", in International Bulletin of Missionary Research, n. 1, January 1996, p. 25).
Nếu đem so sánh số người không tin theo Chúa Kitô vào năm 1990 và năm 2000 thì thấy là trong vòng có 10 năm trời, con số tăng thêm 500.444.900 người. Chỉ nghĩ đến việc loan báo Tin Mừng cho số những người ngoài Kitô giáo sinh ra trong 10 năm chót này cũng đã thấy đây là công việc lớn lao trời bể và khó khăn diệu vợi rồi.
Giới hạn trong phạm vi Giáo Hội Công Giáo, Niên Giám Thống Kê chính thức do Viện Thống Kê của Giáo Hội thực hiện cũng cho thấy khuynh hướng tương tự về dân số:
(Thống kê 1978: Secretaria Status, Annuarium Statisticum Ecclesiae, 1978, pp. 43 & 69; Thống kê 1988: Secretaria Status, Annuarium Statisticum Ecclesiae, 1988, pp. 41 & 67; Thống kê 1995: Secreteria Status, Annuarium Statisticum Ecclesiae 1995, p. 34-41).
Theo những con số thống kê chính thức trên đây, dân số công giáo chỉ là một thiểu số nhỏ và mặc dù có tăng triển mỗi năm, tỷ lệ so sánh với dân số toàn thế giới đã giảm mất 0,19% trong khoảng thời gian 1978-1988 và 0,16% trong khoảng thời gian 1988-1995. Nhìn chung toàn diện trong suốt 17 năm ròng, từ 1978 đến 1995, tỷ lệ dân số công giáo đối với dân số toàn thế giới giảm xuống liên tục.
Nếu liếc mắt nhìn vào châu Á, sẽ thấy tình trạng có vẻ gay go hơn nhiều. Theo thống kê của Viện Thống Kê Tòa Thánh, dân số Á châu hiện nay là 3.353.976.000 người, trong khi số người công giáo là 94.870.000, có nghĩa là 2,82%. Nếu rút số người công giáo dồn trên quần đảo Phi Luật Tân là 55.047.000 người thì tỉ lệ sẽ rơi tõm xuống con số 1,18%. Có nhiều nước tỉ số người công giáo chưa lên tới 1% dân số. Thử đan cử một vài nước đông dân số nhất: bỏ qua một bên Trung Hoa với dân số 1.174.444.000, trong khi số người công giáo không được rõ, Bangladesh với 217.000 người công giáo trên tổng số dân 115.200.000 thì được 0,18%; Nhật Bản với 439.000 người công giáo trên tổng số dân 124.540.000, được 0,35%; Pakistan với 948.000 người công giáo trên tổng số dân 122.800.000, được 0,77% (Thống kê 1993: Secreteria Status, Annuarium Statisticum Ecclesiae 1993, p. 37-38).
Qua những con số thống kê trên đây, chúng ta có được một cái nhìn cụ thể về tình trạng truyền giáo, nhưng đó không phải là tất cả vấn đề. Còn nhiều khía cạnh tế vi của vấn đề truyền giáo các số thống kê không có khả năng diễn tả. Đó là những vấn đề thuộc bình diện văn hóa và tâm linh, chẳng hạn các trào lưu tư tưởng, các ý thức hệ, các dự án chính trị, các chương trình xã hội, các nền tâm thức, các nếp sống thịnh hành hiện nay, không những xa lạ mà có khi còn trái nghịch với các giá trị thiêng liêng và các tiêu chuẩn của Tin Mừng. Vì những lý do đó, công việc truyền giáo phải chạm trán với những khó khăn, những chướng ngại lớn lao xem ra không thể thắng lướt..
Vì thế, theo thông điệp Sứ Mệnh Đấng Cứu Thế, sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cho những người chưa biết và chưa tin theo Chúa Giêsu không những cần thiết mà còn khẩn cấp nữa và phải được coi là nhiệm vụ căn bản và là công việc phục vụ trước tiên Giáo Hội phải làm (SMĐCT, 1-2). Các công tác mục vụ và Tân Phúc Âm Hóa phải nhắm tiến đến việc huy động tinh thần để gây lên một hào khí mới trong việc dấn thân rộng rãi của toàn thể dân Chúa, đưa Tin Mừng đến tận cùng trái đất vì, vẫn theo thông điệpSứ Mệnh Đấng Cứu Thế "sứ mệnh rao giảng Tin Mừng là nhiệm vụ của tất cả mọi tín hữu, của mọi giáo phận, xứ đạo, các cơ quan và các đoàn thể trong Giáo Hội" (SMĐCT, 2).
Tuy con số đông đảo những người chưa biết và chưa tin theo Chúa có làm cho chúng ta cảm thấy cách cụ thể tính cách cần thiết và khẩn cấp của công việc rao giảng Tin Mừng, nhưng thực ra lý do căn bản là chính Đức Tin của chúng ra. Đức Tin không phải là một đặc ân giữ độc quyền, nhưng là một ân phúc đã lãnh nhận để chia sẻ. Một tín hữu khi đã cảm nghiệm và xác tín rằng chính Chúa Giêsu là nguồn mạch sự sống và vì vậy, cuộc sống có Chúa và cuộc sống không có Chúa khác nhau diệu vợi, thì tự nhiên thấy có bổn phận phải nói cho người khác biết. Khác chi một đoàn lữ hành phải băng qua sa mạc, tất cả đều khát nước và đi tìm nước. Những người đã tìm ra mạch nước trong sạch, có bổn phận phải loan truyền cho đoàn lữ hành. Tin hay không tin là quyền tự do của họ, nhưng ai đã tìm được nước thì phải nói. Đây không phải là vấn đề của cảm tình, nhưng là ý thức trách nhiệm của một người trưởng thành, đúng như lời xác quyết của thông điệp Sứ Mệnh Đấng Cứu Thế: "Công việc loan báo Tin Mừng là vấn đề của Đức Tin, là thước đo chính xác lòng tin vào Chúa Giêsu và tình yêu của Ngài" (SMĐCT, 11). Vì vậy, một tín hữu, một cộng đoàn không dấn thân chia sẻ Tin Mừng cho những người chưa nhận biết Chúa phải coi là chưa thực sự trưởng thành trong Đức Tin và cần phải xét mình xem đã tìm gặp được Chúa Giêsu như Đấng Cứu Thế và như nguồn sống chưa, hay chỉ là một đức tin hời hợt làm cho có lệ.
II. CHÚA THÁNH THẦN TRONG CÔNG TÁC TRUYỀN GIÁO
Các hoàn cảnh và các vấn đề của thế giới hôm nay rất phức tạp và, vì vậy, công tác truyền giáo, đưa Tin Mừng đến mọi dân tộc và làm chứng nhân cho Chúa Giêsu đến tận cùng trái đất cũng đa dạng và, hơn nữa, còn gặp nhiều khó khăn, đứng trên phương diện loài người, coi không thể thắng vượt. Có thể đan cử một số khó khăn đã được chính thông điệp Sứ Mệnh Đấng Cứu Thế nói đến. Chẳng hạn, tại một số quốc gia các thừa sai truyền giáo không được phép đặt chân tới; tại một vài quốc gia khác, không những việc truyền giáo bị cấm đoán, mà cả việc trở lại đạo và việc thờ phượng cũng bị ngăn cản hoặc làm khó dễ; tại nhiều nơi khác, các khó khăn thuộc bình diện văn hóa: sứ điệp Tin Mừng bị coi như lạc hậu, lỗi thời hay bị coi như điều không tưởng, sự trở lại đạo bị coi như hành động phản dân tộc và văn hóa của mình.
Cũng không thiếu những khó khăn phát sinh từ chính trong lòng dân Chúa và đây là những khó khăn gây nhiều đau khổ hơn... Có thể kể đến sự thiếu lòng hăng say, diễn tả qua những thái độ mệt mỏi, chán chường, chạy theo thời trang, hoặc qua thái độ dửng dưng và nhất là sự thiếu lòng vui mừng và hy vọng. Cũng phải kể đến các ngăn trở lớn lao cho tinh thần truyền giáo là sự chia rẽ, trong quá khứ cũng như hiện tại, giữa các kitô hữu, hiện tượng các quốc gia có truyền thống kitô đang đánh mất chính nguồn gốc kitô của mình, sự suy giảm về ơn gọi tông đồ tryền giáo và những gương xấu phản nghịch Tin Mừng của các tín hữu và các cộng đồng (x. SMĐCT, 35-36).
Tuy nhiên, cho dù các khó khăn lớn lao đến đâu và dù phát sinh từ bên trong hay đến từ bên ngoài, chúng ta cũng không được nản chí, vì việc truyền giáo là công việc của Chúa Thánh Thần. Chính Ngài đóng vai chủ động, còn chúng ta chỉ là những người cộng tác (SMĐCT, 36). Cả trong thời đại này của chúng ta, Chúa Thánh Thần cũng vẫn đóng vai chính. Ngài kiến tạo Nước Thiên Chúa bằng cách tác động tận trong tâm hồn mỗi người và làm cho hạt giống ơn cứu độ nảy nở trong những môi trường sống của con người (x. NNTB, 45).
Bất cứ ai dấn thân trong công việc tông đồ truyền giáo, nếu biết lắng nghe tiếng nội tâm cũng sẽ thấy như "đụng chạm" tới Chúa Thánh Thần. Đặc biệt khi có dịp tiếp xúc với các tâm hồn chân thành và bén nhậy trong lãnh vực thiêng liêng, càng tấy rõ ràng hơn sự hiện diện của Chúa Thánh Thần .
Một đôi kinh nghiệm có thể đủ để cho thấy sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong cánh đồng truyền giáo. Vào tháng 8 năm 1994, sau khi về thăm Việt Nam, tôi sang Ấn Độ theo lời mời của Đức Cha Topo, Tổng giám mục Ranchi. Vào một buổi sáng, đó là sáng thứ sáu, tôi còn đang nói truyện cho các tập sinh dòng Ursuline, Đức Cha Topo, Tổng Giám Mục Ranchi gọi giây nói bảo ngài sẽ không tới được như dự tính vì phải đi thăm ngay một nhà xứ có 2 cha và một chủng sinh mới bị giết thảm trong đêm. Theo chương trình thì sáng sớm tôi đến đây làm lễ rồi nói truyện cho các tập sinh. Sau đó ngài sẽ tới để cùng đi thăm nói truyện một vài nơi nữa, nhưng bây giờ phải đổi chương trình và cả ngày hôm sau cũng phải đổi chương trình để đi đồng tế lễ an táng hai cha và thầy chủng sinh này. Trong bài giảng, Đức Tổng Giám Mục nói về tình yêu dâng hiến của Chúa Giêsu cho mọi người có mặt. Nhà thờ chật cứng. Đặc biệt một điều là lẫn trong đám đông giáo dân, có cả một làng Ấn giáo. Thân nhân và dân làng thầy chủng sinh đó! Thầy chủng sinh này mới được sai về đây chừng hai tháng nay. Thầy là con một trong gia đình và là người duy nhất đã trở lại đạo. Nếu không có sự hiến dâng trong cái chết thê thảm này, ai trên đất Ấn Độ có sức quy tụ được cả một làng Ấn giáo để nói về Chúa Giêsu và tình yêu dâng hiến của Ngài? Chưa biết ai là thủ phạm, nhưng theo một vài dữ kiện, người ta hồ nghi đó là quái thai của dân ấn giáo quá khích, muốn nhổ mấy cái gai trước mắt và làm khiếp đảm tinh thần giáo dân trong vùng. Nhưng thay vì khiếp đảm, giáo dân lại thêm hăng say. Thực là mầu nhiệm con đường của Chúa và sâu thẳm thay ý định của Ngài! (Rom 11,33). Cũng chính vì vậy, công việc truyền giáo tuy gặp khó khăn nhưng lại rất hứng thú vì chính trong những khó khăn, người tông đồ lại cảm được bàn tay thần linh của Chúa Thánh Thần, khi ẩn khi hiện, nhưng luôn rất gần gũi để uốn nắn, để dẫn dắt và để tăng sức.
Tôi lại nhớ đến một sự kiện khác. Năm 1980, lần đầu tiên đi Mexico cộng tác giảng huấn trong khóa học hỏi về truyền giáo. Cha giám đốc của khóa học hỏi không đưa địa chỉ, nhưng nói: "Cha cứ cho biết ngày giờ cha tới phi trường ở thành phố bên cạnh, chúng tôi sẽ ra đón cha tận phi trường". Đến khi tôi tới phi trường, chờ tới 2 giờ đồng hồ không thấy bóng một ai đến đón. Sau cùng phải gọi Taxi vào nhà thờ chính toà hỏi, nhưng không ai biết khoá học hỏi đó ở đâu. Sau cùng một cha nói: "Chỉ có một cách, cha lấy xe đến thành phố đó và tìm". Sau đó, ngài đưa tôi ra bến xe, thảy lên xe. Khi tới thành phố, vừa bước xuống xe, có một bà đến ngay trước mặt và nói: "Cha đi với tôi, tôi biết nơi cha phải đi" và tôi ngoan ngoãn theo bà. Ra tới xe đã có một thanh niên ngồi sẵn trong xe, nhưng anh không hề bao giời nhìn lại đàng sau. Khi tới cửa một ngôi nhà, bà ta nói: "Đây là nhà cha phải tới". Bước xuống xe, tôi ngỏ ý muốn trả tiền, bà đó ra dấu hiệu không nhận rồi lên xe đi. Tôi đã tưởng đó là người cha giám đốc khóa học hỏi sai đến đón, nhưng không. Khi bước chân vào sân, cha giám đốc vô cùng mừng rỡ: "Cha làm sao mà tới đây được? Chúng tôi đánh mất thư của Cha, ba ngày rồi tôi cho cô thư ký ra sân bay chờ cha với tấm bảng tên cha, nhưng không thấy cha tới, cô ta nản bỏ về...". Tôi sực nhớ lại: Trước khi bỏ Roma, tôi có đi thăm một mẹ bề trên sáng lập dòng và khi từ giã, mẹ bề trên nói: "Tôi sẽ cầu nguyện cho cha, Đức Mẹ sẽ dẫn đường cho cha". Có người cho người đàn bà đó là Đức Mẹ. Không biết có phải là Đức Mẹ hiện thân hay không, nhưng chắc chắn một điều là có bàn tay Chúa Quan Phòng và sự che chở của Đức Mẹ. Thánh Thần Chúa luôn hiện diện để dẫn dắt và trợ lực.
Theo tông thư Rao Giảng Tin Mừng của Đức Thánh Cha Phaolô VI (số 75) và thông điệpSứ Mệnh Đấng Cứu Thế của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (số 24-30), Chúa Thánh Thần tác động cả trên hai môi trường: Giáo Hội và trong Giáo Hội và nơi mỗi người tông đồ, ngoài thế giới và nơi mỗi người thành tâm đón chờ Tin Mừng.
1. Trong Giáo Hội và nơi mỗi người tông đồ truyền giáo
a) Chúa Thánh Thần hướng dẫn Giáo Hội và soi sáng tâm trí người môn đệ Chúa Giêsu để có thể hiểu được mầu nhiệm thâm sâu của Thiên Chúa và chương trình cứu độ nhân loại của Ngài (Gio 16,13; x. 14,26).
b) Chúa Thánh Thần còn hướng dẫn để người môn đệ có thể tìm gặp được Chúa Giêsu và cảm nghiệm được mầu nhiệm của Ngài để loan truyền và làm chứng cho Chúa Giêsu với tất lòng can đảm và xác tín (x. Gio 15,26‑27). Với ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, lời rao giảng của người tông đồ truyền giáo sẽ không còn là một lý thuyết trừu tượng, nhưng là loan tryền một kinh nghiệm sống, có sức đành động tâm khảm của người thành tâm thiện chí: "Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống... Chúng tôi đã thấy và chúng tôi làm chứng... Chúng tôi loan báo cho anh em để anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi và chúng ta được hiệp thông với Chúa Cha và Con Người là Chúa Giêsu Kitô" (1 Gio 1,1‑3).
c) Chúa Thánh Thần thúc đẩy các môn đệ Chúa Giêsu xích lại gần nhau thành cộng đoàn sống trong tinh thần hiệp nhất để trở thành Giáo Hội của Chúa (x. TĐCV 2,32-47) và làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh (x. SMĐCT 26; RGTM 41-42).
d) Chúa Thánh Thần ban cho người tông đồ tinh thần tông đồ truyền giáo của Chúa Giêsu để sai đi rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Giêsu. Đồng thời, Chúa Thánh Thần cũng đồng hành với người tông đồ để nhắc nhở và gợi ý cho người tông đồ những điều phải làm và phải nói (x. RGTM, 75) để người tông đồ có thể can đảm rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng (cf. RMi 24), nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn như chính Chúa Giêsu đã hứa: "Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết.Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em" (Mt 10,18-20).
2. Ngoài thế giới và nơi mỗi người thành tâm đón chờ Tin Mừng
Chúa Thánh Thần không chỉ hiện diện và tác động trong Giáo Hội, nhưng Ngài còn hiện diện và hoạt động cả nơi các môi trường ngoài phạm vi Giáo Hội, ngay cả trong tâm hồn những người lương dân (x. SMĐCT, 28-29). Theo sách Tông Đồ Công Vụ (chương X), Cornelio, người lương dân đầu tiên trở lại đạo, trước khi gặp thánh Phêrô và được rửa tội, ông và gia đình ông đã sống dưới ánh sáng và tác động của Chúa Thánh Thần. Khi đã được chuẩn bị, Chúa Thánh Thần một đàng soi sáng ông đi tìm thánh Phêrô, đàng khác thúc đẩy thánh Phêrô đi tìm ông. Khi Cornelio lắng nghe thánh Phêrô loan báo Tin Mừng, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên ông và gia đình ông sung mãn hơn.
Chúa Thánh Thần hiện diện và hoạt động trong lòng mọi người thành tâm để chuẩn bị tâm hồn họ. Khi tới giờ tràn đổ ơn thánh cách sung mãn, Chúa Thánh Thần sai người tông đồ đến loan báo Tin Mừng và hỗ trợ người tông đồ trong sứ vụ, soi sáng cho người tông đồ những hành động, những lời nói thích hợp, có sức đánh động tâm hồn người thành tâm đón nhận. Đồng thời, Chúa Thánh Thần cũng tác động trong tâm hồn người đó để họ có thể hiểu và đón nhận Tin Mừng ơn Cứu Độ (x. RGTM, 75).
Nhưng Chúa Thánh Thần không chỉ tác động trong thâm cung nội tâm của các cá nhân, mà cũng hướng dẫn hướng đi của lịch sử và làm phát sinh các nền văn hóa tâm linh, các sáng kiến tốt, các lý tưởng cao thượng... (x. SMĐCT, 28).
Xem như vậy thì công việc truyền giáo thật hứng thú, nhưng cũng khó khăn diệu vợi. Khó khăn không phải vì các cản trở gặp phải trên các nẻo đường truyền giáo, nhưng vì phải làm công việc của Thiên Chúa, phải cộng tác với Chúa Thánh Thần. Cho nên cái khó là làm sao nhận ra được con đường của Ngài mà theo. Để nhận ra con đường của Chúa Thánh Thần, phải biết nhìn bằng con mắt thứ ba mà các nhà tu đức gọi là con mắt nội tâm. Kết quả của công việc truyền giáo tùy thuộc vào khả năng của Giáo Hội và, trong Giáo Hội, mỗi tín hữu, nhất là các nhà thừa sai truyền giáo, có biết lắng nghe và bước theo con đường Chúa Thánh Thần dẫn đi hay không.
III. ĐỜI SỐNG TÂM LINH: SẴN SÀNG VÂNG THEO CHÚA THÁNH THẦN
Trong tông thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Tới, sau khi đã cắt nghĩa về sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đức Thánh Cha lấy Đức Mẹ làm mẫu gương cho Giáo Hội trong năm thứ hai chuẩn bị đón mừng Năm Thánh, bước vào Ngàn Năm Thứ Ba: "Mẹ Maria, Đấng đã cưu mang Ngôi Lời nhập thể do quyền năng của Chúa Thánh Thần và sau đó trong tất cuộc sống đã sống theo tác động nội tâm của Chúa Thánh Thần, phải được chiêm ngưỡng và học theo trong suốt năm nay, trước tiên như người nữ sẵn sàng vâng theo tiếng Chúa Thánh Thần, như người biết thinh lặng và lắng nghe, người sống trong hy vọng, biết đón nhận thánh ý Thiên Chúa như Abramo 'vẫn tiếp tục tin cậy cho dù không còn một hy vọng nào' (Rom 4,18)" (NNTB, 48).
Đó là thái độ của nhà chiêm niệm thần bí, người nhậy cảm và tuyêt đối vâng theo các tác động của Chúa Thánh Thần trong nội tâm và để cho tiếng nội tâm hướng dẫn mọi hành động và tất cả cuộc sống. Sống triền miên trong thái độ lắng nghe để tìm kiếm và lần mò theo tiếng nội tâm. Chính vì vậy mà các nhà tu đức thường gọi đời sống chiêm niệm thần bí là đời sống thụ động, nhưng lại linh động tích cực hơn đời sống tích cực.
Đời sống tích cực là mẫu sống khi người tông đồ băn khoăn lập chương trình hoạt động, tính toán dựa theo tiêu chuẩn loài người. Đời sống thụ động bắt đầu khi người tông đồ biết lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần nói trong nội tâm và để cho tiếng nội tâm hướng dẫn. Vì vậy, người tông đồ nhiều khi đi những nơi không muốn, làm những điều không thích và do đó, trở nên rất linh động tích cực và can trường. Cuộc đời của các tiên tri, các thánh Tông Đồ, các nhà đại truyền giáo là như vậy. Và đó là ý nghĩa lời Chúa nói với thánh Phêrô: "Khi ngươi còn trẻ, ngươi tự mặc áo lấy và ngươi đi nơi ngươi muốn. Nhưng khi đã về già thì ngươi giang tay để người khác choàng áo cho và dẫn ngươi đi nơi ngươi không muốn" (Gio 21,18). Già trẻ đây không tính về tuổi tác, nhưng về sự trưởng thành trong đời sống thiêng liêng, và người khác ở đây không ai khác hơn là Chúa Thánh Thần. Chính vì vậy mà người tông đồ trở nên can đảm và tích cực hơn trước, vì không dựa theo sự khôn ngoan của loài người, nhưng dựa trên sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
Nhưng không phải tất cả mọi tiếng nội tâm đều là tiếng Chúa Thánh Thần. Cũng có tiếng của tư lợi, tiếng của danh vọng, tiếng của ảo tưởng, và cả tiếng của thần dữ tìm cách đánh lừa người tông đồ để lái đi theo đường khác. Vì vậy, sống theo tiếng Chúa Thánh Thần đòi hỏi một cuộc hành trình thiêng liêng có thể tóm lại trong ba nấc chính yếu:
a) Tự do nội tâm: đời sống tông đồ truyền giáo đòi hỏi, trước nhất, cuộc hành trình thanh luyện để có được sự Tự Do Nội Tâm. Nếu không có tự do nội tâm, người tông đồ sẽ không nghe thấy Tiếng Huyền Nhiệm, mà chỉ nghe thấy lộn xộn muôn tiếng ồn ào chen lấn. Cần phải thanh luyện cho lòng mình được tự do thanh thản trước tất cả thụ tạo. Chúa Giêsu còn nói là phải từ bỏ chính bản thân và sự sống riêng mình. Nếu người tông đồ không biết từ bỏ tất cả, coi chúng tất cả là tương đối thì chúng sẽ trở thành ngẫu tượng trong lòng và lúc đó, người tông đồ chỉ nghe thấy tiếng các ngẫu tượng chứ không nghe thấy tiếng Chúa. Trái lại, nều người tông đồ biết từ bỏ tất, thì không mất mát gì, mà lại tìm được tất cả một cách trung thực. Chúng sẽ trở lại trúng vị trí của chúng trong con tim của người tông đồ. Đó là ý nghĩa lời Chúa trong Tin Mừng thánh Matêo: "Ai yêu cha, yêu mẹ hơn Thầy, không đáng thuộc về Thầy... Ai muốn bảo vệ mạng sống mình thì sẽ mất sống; còn ai thí mạng sống mình vì Thầy và vì Tin Mừng, thì lại được sống" (Mt 10,37-39). Nói cho cùng thì vấn đề không phải do các thực tại gây lên, nhưng tại con tim của người tông đồ làm chúng thành méo mó. Không phải là các thực tại xấu, nhưng vì con tim của con người sa đọa.
Chính vì vậy mà đời sống thiêng liêng tông đồ thường được ví von như cuộc hành trình vào sa mạc. Khách lữ hành muốn băng qua sa mạc phải lên đường với ít hành trang. Nhưng rồi trong cuộc hành trình sẽ thấy là số ít hành trang mang theo vẫn còn qúa nặng, quá cồng kềnh và cản trở cho cuộc hành trình. Vì vậy, từ từ phải vất bỏ tất cả những gì không tối cần thiết, và sau cùng phải vất tất cả, chỉ giữ lại một vật duy nhất. Đó là nước. Đi trong sa mạc, điều cần thiết duy nhất là nước. Có thể thiếu tất cả, nhưng nếu thiếu nước thì sẽ chết khô trong sa mạc.
b) Thực với lòng mình: tất cả mọi hoạt động của cuộc đời tông đồ chỉ nhắm có một mục đích duy nhất: đem Chúa đến cho người khác; phục vụ Chúa và làm vinh danh Chúa, hay nói theo khẩu hiệu của thánh Ignacio "ad majorem Dei gloriam". Nhưng lắm khi nói là vì Chúa, tình thực là vì những lý do khác. Vì vậy, cần phải thực với lòng mình. Dám nhìn thẳng mặt các động cơ thúc đẩy làm căn nguyên cho các lựa chọn và hành động. Luôn luôn trở về nội tâm để dò hỏi lòng mình và gọi mỗi căn nguyên với chính tên của nó. Đó, nhà chiêm niệm thần bí vâng theo tác động của Chúa Thánh Thần là vậy đó. Không phải là người có nhiều kinh nghiệm xuất thần ngây ngất, nhưng thiết yếu phải là người có can đảm nhìn nội tâm để không dối lòng mình.
c) Chết cho chính bản thân. Chính vì có can đảm nhìn thẳng sự thật để khỏi tự dối mình mà nhà chiêm niệm thần bí trong hành động dần dần tiến từ đời sống tông đồ trong đó mình là trung tâm điểm để bước sang đời tông đồ trong đó Chúa Giêsu là trung tâm điểm. Trong chiều hướng đó, đời tông đồ truyền giáo là một cuộc chiến đấu liên lỉ và gay go để đưa mình ra ngoài và đưa Chúa Giêsu vào trong, tận trung tâm cuộc sống và mọi hoạt động. Cuộc chiến này đưa đến một cái chết thực sự cho chính bản thân mình. Chỉ khi người tông đồ biết chấp nhận chết cho chính mình mới có thể phục vụ Chúa thực sự. Bằng không thì chỉ là cái vỏ bề ngoài.
Kết luận
Dưới ánh sáng của sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, sứ mệnh truyền giáo mở ra trước mắt Giáo Hội một chân trời chứa chan hy vọng vì đàng sau những áng mây đen che phủ bầu trời, có những vì sao lấp lánh và mặt trời luôn tuôn ánh sáng và sức nóng. Đàng sau những hiện tượng mập mờ của lịch sử và những chướng ngại vật con người giăng ra, đang chập chờn những dấu hiệu của bàn tay Chúa Thánh Thần đang từ từ thanh luyện và soi sáng tâm hồn con người và uốn nắn để hướng dẫn những hướng đi của lịch sử. Bổn phận của các tín hữu, môn đệ Chúa Giêsu là biết nhận ra những dấu hiệu đó và bắt tay cộng tác để Chúa Thánh Thần có thể thi thố sức mạnh thần linh của ơn thánh cứu độ nhân loại.
St
No comments:
Post a Comment