Từ 1533, VN đã hân hạnh đón nhận hạt giống Tin Mừng. Từ đây, nhiều vị truyền giáo của nhiều quốc tịch đã đến và truyền giáo tai VN, thời gian có ngắn có dài. Đây mới là công việc khai phá ban đầu. Bắt đầu từ năm 1615, các linh mục Dòng Tên đến VN đông hơn, thực hiện công cuộc truyền giáo qui mô và đem lại kết quả thật lớn lao và cụ thể.
Cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) là vị có công lớn nhất trong việc truyền giáo tại VN. Từ 1624 đến 1630, để dễ truyền giáo, Cha cùng làm việc với Người VN, dùng ngôn ngữ VN, và cha đã có nhiều sáng kiến, kế hoạch rõ rệt, thành công vượt bực.
ĐƯỜNG LỐI CỦA CHA ÐẮC LỘ
Cha Đắc Lộ là người thông minh, hùng biện, thức thời, đã áp dụng những phương án mới tại VN :
Vận dụng hiểu biết về khoa học.
Để thuyết phục người nghe, Cha đã khéo vận dụng sự hiểu biết về khoa học, và toán học phổ thông…
Năm 1627, những lần đầu Cha gặp chúa Trịnh, Cha đã trình bày cho vua và triều đình về khoa học thường thức, thiên văn thời tiết, toán học phổ thông, ngay cả việc sử dụng máy móc thông dụng. Nhờ vậy cha đã gây được cảm tình nơi quan lại trong triều. Ngay dịp này, trong triều có người xin trở lại. Vài năm sau, thấy Cha được nhiều người mộ mến, chúa Trịnh lại tìm cách trục xuất Cha ra khỏi Đàng Ngoài. Cha phải lén lút giảng đạo ở Nghệ An. Nhờ Cha đã cắt nghĩa rõ ràng về ngày giờ nhật thực, nên Quan trấn thủ ở đây rất quí mến Cha, lại còn bênh vực Cha khỏi những lời vu khống. Chính ông xác nhận : ‘‘Nếu họ (các thừa sai) tiên đoán rất chắc chắn và xác thực về những bí mật trên trời và các tinh tú chúng ta không biết, và vượt quá khả năng của chúng ta. Thì phải tin rằng họ không lầm trong sự nhận biết Đạo Chúa Trời Đất, và những chân lý họ rao giảng. Mặc dù những chân lý ấy rất xa lạ với tâm lý chúng ta và không dễ cho chúng ta am hiểu’’. Kết quả, trong vòng 8 tháng, các cha rửa tội được hơn 600 người. (Lich sử Vương Quốc Đàng Ngoài. Hồng Nhuệ. tr. 55)
Dùng tiếng Việt để giảng dạy.
Không phải thừa sai nào cũng nói tạo được tiếng Việt. Thời đó đã có thông dịch viên đi bên cạnh các thừa sai. Trước kia như cha Baldinotti không nói được tiếng Việt, đành bỏ về. Nên cha Đắc Lộ được đề cử thay.
Năm 1624, Cha Đắc Lộ đến Đàng Trong, trong thời gian khoảng 6 tháng học tiếng Việt, cha đã giảng trôi chảy và giải tội rành rẽ bằng tiếng Việt. Cha đã soạn cuốn ‘‘Phép Giảng Tám Ngày’’, như cuốn Giáo Lý căn bản cho tông đồ giáo dân, giúp tân tòng dễ học dễ nhớ.
Đây không phải là cuốn Giáo lý căn bản với những câu hỏi, lời thưa, nhưng là những bài giảng, thuyết trình diễn văn hơn là trưng dẫn chứng cớ và lập luận.
Cha De Pina là thừa sai đầu tiên, thông thạo tiếng Việt, đã dạy tiếng Việt cho cha Đắc Lộ. Sau Cha đã chọn và học tiếng Việt với một thanh niên VN tên Raphael Rhodes (chính tên Cha Đắc Lộ). Cha chăm chỉ học tiếng Việt và nêu ra lý do muốn truyền giáo cho người Việt phải biết tiếng địa phương. Cha viết :Tôi thấy cha Fernandez và Buzomi dùng thông ngôn giảng. Chỉ có cha François de Pina không cần thông ngôn, vì nói rất thạo. Tôi nhận thấy bài giảng của cha này có nhiều lợi ích hơn bài của các vị khác. Điều này khiến tôi tận tụy học hỏi, tuy vất vả, nhưng khó ít mà lợi nhiều… Cha quả quyết rằng hiệu quả của việc trình bày các mầu nhiệm trong ngôn ngữ của họ, thì vô cùng lớn lao hơn khi giảng bằng thông ngôn. Thông ngôn chỉ nói điều mình dịch, chứ không sao nói với hiệu lực của lời từ miệng người truyền đạo có Thánh Thần ban sinh khí (Hành trình Truyền Giáo. Hồng Nhuệ, tr. 56)
Cha còn nhận xét nếu chưa thông thạo tiếng Việt : Vì chưa phân biệt các dấu khác nhau trong tiếng Việt, nên có thể xẩy ra ngộ nhận về ý nghĩa. Muốn nói sự thánh thiện lại hóa ra nói tục tằn. Cho nên người rao giảng Lời Chúa phải rất cẩn thận. Để không làm cho Lời Chúa thành ngộ nghĩnh đáng khinh bỉ. (Lich sử Vương Quốc Đàng Ngoài. Hồng Nhuệ. tr.71)
Đáp ứng đúng tâm lý và nhu cầu của người nghe.
Cha nhạy bén trước những nhu cầu, tâm lý của người nghe. Các bài giảng trở thành bài giáo lý. Linh hoạt và uyển chuyển. Ðối với lương dân, trước nay vốn có ý niệm sẵn về ‘‘hồn không bao giờ chết’’, hay ‘‘Ông Trời có quyền phép’’. Bài học giáo lý của Cha bắt đầu bằng dẫn chứng từ ánh sáng tự nhiên, dẫn đến mầu nhiệm trong Đạo. Như : Linh hồn bất tử, sự sống lại đời sau, bản tính Thiên Chúa, Thiên Chúa quan phòng… dần dần đi đến những điều khó hiểu. Ngày 19-3-1627, lễ thánh Giuse, cha Đắc Lộ và cha Petro Marquez đến Cửa Bạng, Thanh Hóa, thuộc Đàng Ngoài. Mở đầu hành trình truyền giáo. Dân chúng kéo đến xem đông. Cha liền mở hàng hóa cho họ xem và nói Cha còn thứ hàng hóa quí và rẻ hơn. Đó là đạo thật, đường thật, ban hạnh phúc. Cha sẵn sàng biếu không. Trong bài giảng này, Cha không dùng chữ ‘‘Thiên Chúa’’ cũng không dùng ‘‘Chúa trời’’, mà nói ‘‘đức Chúa trời đất’’. Chữ ‘‘đức’’ làm tôn giá trị tuyệt đối của ‘‘Chúa trời đất’’. Vì trong cung điện, trong phủ người ta vẫn phải nói đức vua, đức chúa. Thì nay, Cha rót vào tai người nghe danh thánh Thiên Chúa là ‘‘đức Chúa trời đất’’. Dễ hiểu hơn. Hơn nữa, tại VN có nhiều đạo : đạo Khổng, đạo Lão, đạo Phật, đạo Tổ tiên… Nhưng đây là đạo thánh, chứ không phải đạo thường. Cho nên, phép giảng cho người muốn chịu phép rửa tội để vào đạo Thánh đức Chúa trời.
Sau bài giảng, Cha thúc giục người nghe động lòng thương mến và thờ lạy đấng đã vì loài người mà chịu chết trên thập giá. Cha Đắc Lộ đã hiểu người VN phân biệt trời là trời, người là người, thượng đế cao vời xa xôi. Như thế, họ khó công nhận Thiên Chúa chết như phạm nhân. Nên Cha đã nhấn mạnh đến những sự lạ sau khi Chúa bị đóng đinh, rồi người ta đốt nến sốt sắng cung kính.
Sau đó, Cha Đắc Lộ chỉ vào thánh giá, hỏi người nghe, và nói tới ba lần : này là người, Chúa trời đã chết vì bạn. Rồi thúc giục người đối diện, hãy coi tay thánh, xem chân rất thánh, coi sườn đức Chúa trời, và ngắm mặt xưa gồm mọi sự tốt lành.
Sau bài giảng ngắn về ‘‘đạo Chúa’’ này. Có hai người xin nhập đạo tại chỗ.
Quan tâm đến phong tục tập quán địa phương
Đây là điểm quan trọng, tức là hội nhập văn hóa.
Luôn tôn trọng và giữ phong tục tập quán của người VN, đồng thời đưa ra những thích ứng phù hợp. Những tập tục dị đoan của ba Ngày tết VN được thay vào kính Ba Ngôi Thiên Chúa. Thay vì cắm cây nêu đã dựng Cây Thánh Giá. Những nghi lễ công giáo được tổ chức mang mầu sắc phù hợp với tâm tình VN hơn. Ngày nay chúng ta còn giữ lại, như làm phép Nến, dùng cành olive trong ngày lễ Lá, ngắm Thương Khó Chúa Giêsu vào mùa Chay. Khuyến khích giao hữu sáng tác thơ nhạc, giới thiệu Thiên Chúa cho người khác.
Tổ chức Hội Thầy Giảng
Qua kinh nghiệm ở Nhật, khi tới VN, các cha Dòng Tên đã dùng tông đồ giáo dân. Trong giai đoạn đầu ở Đàng Trong, Cha Buzomi đã tổ chức Hội Thầy Giảng. Tuy nhiên, phải chờ tới khi Cha Đắc Lộ đến truyền giáo ở Đàng Ngoài (1627-1630), Hội Thầy Giảng mới hoàn thành và hoạt động mạnh. Có nội qui, đào tạo, lời khấn công khai. Nhờ Hội này, nhiều cộng đoàn đầu tiên đã giữ vững đức tin và phát triển. Trong thời gian cấm cách, các Thầy đã thay thế các linh mục, làm mục vụ cần thiết. Thầy Giảng Chân Phước Anrê Phú Yên, người tử đạo đầu tiên, là gương sáng cho người trẻ Việt Nam.
HỌC HỎI NƠI CHA ÐẮC LỘ Ở NHỮNG ÐIỂM NÀO ?
Qua những thành quả trên, cho chúng ta cần học hỏi nơi vị truyền giáo lỗi lạc này những điểm thực hành. Thành công của Cha Đắc Lộ nổi bật ở các điểm :
Trước hết là ‘‘Hãy lên mái nhà mà rao giảng (Mt 10, 27).
Đây là lời khuyên của ĐGH Gioan Phaolo II áp dụng cho chiều hướng truyền giáo mới, phù hợp với nền văn minh hiện đại. Văn minh càng tiến, nhà truyền giáo cần có nhiều hiểu biết về sự đổi mới về tư tưởng và suy tư của người nghe. Cha đã dùng kiến thức hiểu biết về khoa học, để cho người nghe tin vào lời ngài giảng dạy. Nhà truyền giáo hôm nay, cần khéo léo xử dụng phương tiện truyền thông vào việc truyền bá tư tưởng và văn hóa. Phương tiện nhạy bén và hữu hiệu.
Hội nhập văn hóa.
Những nghi thức phụng vụ cần được áp dụng nghiêm chỉnh, thống nhất và trang nghiêm. Đem vũ múa, đàn hát quá nhiều vào nghi thức lễ tế, gây lố lăng. Mất thời giờ. Quá nhiều nhạc cụ, máy móc, trang hoàng dọn dẹp ồn ào. Mất đi vẻ trang nghiêm, và không còn thuần túy Công giáo nữa. Cần phân biệt tổ chức nghi lễ ‘‘đạo’’, với hội họp ‘‘công giáo tiến hành’’. Dành vẻ tôn nghiêm cho nhà thờ. Không thể xử dụng như hội quán. Để lôi cuốn giời trẻ, không phải tổ chức cầu kinh thánh lễ nhộn nhịp mà thành công. Cái thâm thúy, lôi cuốn, và in sâu vào tâm trí người trẻ, hệ tại tìm ra chân lý hơn là hào nhoáng mau qua.
Dùng tiếng Việt trong phụng vụ và giáo lý.
Sau Công Đồng Vatican, khắp nơi được dùng tiếng Việt trong phụng vụ và kinh đọc. Một khôn ngoan sáng suốt. Ngày nay các bản thánh ca có khá nhiều, cần xem lại cho hợp với tinh thần phụng vụ, linh thiêng cao quí. Tránh những từ và điệu nhạc ‘‘đời hóa’’. Bải thánh ca phải có sự kiểm duyệt của Ủy Ban Thánh Nhạc. Tài liệu dạy giáo lý có khá nhiều. Cần thống nhất một tài liệu căn bản cho toàn quốc và cả hải ngoại.
Và Hội Thầy Giảng là nền tảng cho việc tổ chức nhân sự cho GH VN thời sơ khai. Có thể tìm phương án đào lại một ‘‘hội tu kiểu khác’’ hay tái lập đoàn ‘‘Phó Tế Vĩnh Viễn’’ như nhiều nơi trên thế giới, thay thế Hội Thầy Giảng trước đây. Ngày nay, các Phó Tế đang hoạt động nhiều mặt và thành công, nhất là những nơi thiếu ơn gọi.
No comments:
Post a Comment