Nếu chúng ta chịu khó suy niệm về cuộc đời của Mẹ Maria, chúng ta có thể nhận ra, xét về tổng thể, cuộc đời của Mẹ không khác cuộc đời của mỗi người chúng ta.
Mẹ cũng phải đối đầu với những khó khăn, thử thách, chứ không phải vì là Gia Đình Thánh, nên Mẹ được đặc ân xa vượt trên mọi vấn đề của cuộc sống.
Mẹ cũng phải đối đầu với những khó khăn, thử thách, chứ không phải vì là Gia Đình Thánh, nên Mẹ được đặc ân xa vượt trên mọi vấn đề của cuộc sống.
Thiên Chúa hành xử không như người thợ đúc khuôn, để các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn giống nhau, không như người chuyên viên gắn bộ phận điện tử vào một “người” robot, để “người” robot hành động theo đúng như những gì người chuyên viên đã cài đặt. Thiên Chúa hành xử với tư cách một Thiên Chúa của Tự Do. Ngài tự do dựng lên con người và Ngài để con người sống trên mặt đất cũng được tự do đối với lời mời gọi của Ngài, Đấng Tạo Dựng.
Mẹ Maria là thụ tạo của Thiên Chúa, nên Mẹ cũng bước đi trên cùng một con đường như mọi người: Con đường của tự do. Có điều Mẹ luôn trung thành với tự do chân thật để đi theo tiếng gọi của Thiên Chúa, cho dù phải bước đi trên đường đầy gai góc hay trong thung lũng tối tăm.
Thánh Kinh không nói nhiều về Mẹ, cho nên thường khi chúng ta phải nhờ đến thánh truyền hay các mạc khải tư, trong đó cuốn Thành Đô Huyền Nhiệm Mẹ mạc khải cho chân phước Maria D’Agreda có thể được coi là đầy đủ chi tiết nhất về cuộc đời Mẹ, từ khi Mẹ được thụ thai trong lòng mẹ là thánh Anna cho đến khi Mẹ về Trời. Đọc cuốn sách này, chúng ta thấy trọn cuộc đời Mẹ được hướng dẫn bởi tiếng “Fiat-Xin Vâng.” Thí dụ trong thời gian Mẹ tu trong đền thờ. Vì Mẹ muốn hiến dâng trọn thân xác và Linh Hồn cho Thiên Chúa, không tơ tưởng một chút gì cho riêng mình, nên Mẹ đã khấn ở trọn đời đồng trinh để phụng sự một mình Thiên Chúa. Nhưng khi Kế hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa ân định đã đến, Thiên Chúa Cha đã báo cho Mẹ biết Mẹ sẽ lập gia đình vào lúc Mẹ lên 14 tuổi. Nghe những lời này, tâm hồn Mẹ ngập tràn xao xuyến, vì Mẹ vô vàn trân quí Đức Trinh Khiết. Theo mạc khải này, thì lúc đó Thiên Chúa Cha chưa cho Mẹ biết nhiều về kế hoạch của Ngài sẽ thực hiện nơi Mẹ. Nhưng vì vâng lời, Mẹ đã từ bỏ khao khát tốt lành của Mẹ để chấp nhận Thánh Ý Thiên Chúa Cha. Mẹ cúi đầu phó thác và hoàn toàn tin tưởng vào sự an bài của Ngài.
Lập gia đình với thánh cả Giuse, Mẹ an tâm vì chính thánh cả Giuse cũng khấn ở đồng trinh trọn đời lúc người lên 12 tuổi. Nhưng đường đời không dừng lại một chỗ, cho dù người ta muốn níu kéo giây phút của hoa thơm và khung trời trong xanh êm ả. Biến cố Truyền Tin đã đem lại cho Mẹ niềm vui lớn lao, nhưng đồng thời cũng đặt Mẹ trong trạng huống lo âu và đau khổ. Lo âu vì Thiên Thần Gabriel loan báo cho Mẹ sẽ chịu thai Con Thiên Chúa, “Việc đó xảy ra thế nào được, vì tôi đã khấn trọn đời đồng trinh?” Đau khổ vì sau ba tháng ở nhà bà chị họ Isave trở về, thì sự thay đổi nơi thân xác Mẹ do hiện tượng mang thai đã dần dần trở nên rõ ràng. Thánh cả Giuse vì chưa được Thiên Chúa cho biết nguyên nhân, nên người đã phải lo âu, phiền muộn vô vàn. Đức Gioan Phaolô II đã diễn tả tình huống này trong cuốn “Prayers and Devotions” như sau:
“Đây là một mầu nhiệm nơi Đức Maria. Thánh cả Giuse không biết mầu nhiệm đó. Đức Mẹ không thể truyền đạt điều đó cho ngài, vì đó là mầu nhiệm vượt trên mọi khả năng hiểu biết của loài người, và miệng lưỡi loài người không thể diễn tả. Nó không thể được truyền đạt bằng những phương tiện loài người. Nó cần được chấp nhận và tin tưởng vào Thiên Chúa, và Mẹ Maria đã tin tưởng. Thánh cả Giuse không hiểu, nên ngài đã phải đau khổ trong nội tâm biết chừng nào.” Kết quả như Tin Mừng cho biết, thánh cả Giuse quyết định âm thầm bỏ nhà ra đi.
Nếu chúng ta chỉ đọc lướt qua phần này của đoạn Tin Mừng, chúng ta có thể sẽ khó nhận ra những cơn bão ngầm, sóng ngầm đang dày vò, nhận chìm tâm hồn Mẹ và thánh cả Giuse trong đau khổ phiền muộn vào thời gian đó, nghĩa là hai Đấng phải sống bên nhau trong căn nhà nhỏ bé đang bị mây đen vây phủ khá nhiều ngày, trong tình huống mỗi vị đều chất nặng những tâm tư câm nín, không biết tỏ bày sao cho ổn thỏa. Mẹ đau đớn vì Hài Nhi trong lòng Mẹ là Con Thiên Chúa Nhập Thể, là niềm vui mong đợi của muôn dân, giờ lại là cớ cho bạn đời rất đáng tôn kính của Mẹ phải đau khổ, bị dằn vặt đến mức người phải quyết định âm thầm bỏ nhà ra đi. Dù vậy, Mẹ kiên trì phó thác tất cả cho sự an bài của Thiên Chúa. Cuối cùng, Thiên Chúa đã đáp ứng kịp thời, bằng cách cho Thiên Thần đến báo mộng lành cho thánh cả Giuse.
Vũ trụ luân chuyển. Đời sống con người trên trái đất cũng luân chuyển và tác động trên tâm tư con người, biến thành vui buồn sướng khổ. Đây là cái vòng nhân sinh cho bất cứ ai đã một lần nhận nó làm quê hương. Mẹ Maria cũng không tránh khỏi cái vòng nhân sinh này. Mẹ chấp nhận nó. Với Mẹ, vòng nhân sinh không biến thành vòng luẩn quẩn như nhiều người trong chúng ta, vì tâm hồn Mẹ, cuộc sống Mẹ đã gắn chặt vào một hướng:hướng có thanh âm mời gọi dịu dàng nhưng vang vọng của Thiên Chúa. Như thế, ở nơi Mẹ, dù niềm vui hay nỗi buồn, sung sướng hay đau khổ, tất cả đều đã được Mẹ sử dụng theo Thánh Ý Thiên Chúa. Chúng ta hãy tiếp tục điểm qua biến cố Mẹ dâng Con trong Đền Thờ, để có thể hiểu phần nào tinh thần tuân phục, phó thác của Mẹ. Mặc dù trinh khiết vẹn tuyền, Mẹ vẫn khiêm tốn vâng theo luật Moisen để cùng với thánh cả Giuse bồng Hài Nhi Giesu lên Đền Thờ “để được làm lễ tảy uế cho hai Đấng” và “dâng con đầu lòng cho Thiên Chúa”. Tại Đền Thờ, Mẹ được nghe cụ già Simeon tiên báo “con trẻ sẽ là cớ cho nhiều người vấp phạm và là dấu gợi lên sự chống đối”. Nhìn Mẹ, cụ già nói “Còn bà, một lưỡi gươm đâm thấu hồn bà”. Đem Con tới Đền thờ để rồi phải nghe những lời tiên báo không lành cho tương lai của Con, cho sự đau khổ ghê gớm của Mẹ. Mẹ “kinh ngạc” khi nghe những lời của cụ già Simeon. Nhưng mặc dù Mẹ phải băn khoăn vì chưa hiểu ý nghĩa lời tiên báo, Mẹ vẫn tin và phó thác nơi sự an bài đầy quyền năng của Thiên Chúa. Niềm xác tín đá vàng này đã giúp Mẹ đứng vững giữa những thử thách, mà thử thách lớn lao nhất cho cả cuộc đời Mẹ, đó là lúc Mẹ hiện diện trên đỉnh đồi Golgotha để cất tiếng “Xin Vâng” hiến dâng Con Một mình, hầu làm thoả cơn khát Tình Yêu của Thiên Chúa.
Như thế,
Khi bước vào đời, Mẹ dâng lời tạ ơn.
Và rồi,
Trong suốt cuộc sống, Mẹ lắng nghe tuân phục.
Cuối cùng,
Khi gĩa từ cõi tục, Mẹ cất tiếng ngượi khen.
Vì rằng,
Trọn cuộc đời của Mẹ, là tấm gương Thiên Ý.
Khi bước vào đời, Mẹ dâng lời tạ ơn.
Và rồi,
Trong suốt cuộc sống, Mẹ lắng nghe tuân phục.
Cuối cùng,
Khi gĩa từ cõi tục, Mẹ cất tiếng ngượi khen.
Vì rằng,
Trọn cuộc đời của Mẹ, là tấm gương Thiên Ý.
Hạt Cát
No comments:
Post a Comment