Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD
Bài Phúc Âm Mathieu hôm nay phản ảnh Giáo Hội sơ khai sau khi thành Jerusalem bị phá hủy vào năm 70 AD. Xuyên suốt bài Phúc Âm, đức Giesu đã quả quyết giá trị cố định của luật (Mt 5:18-19), nhưng cách cắt nghĩa thì tùy theo đấng bản quyền (Mt 5:21-48). Đức Giesu đã kiện toàn mọi luật lệ từ căn gốc: Đôi khi người làm cho nó nhẹ đi (như luật ly dị, luật báo thù), đôi khi người cắt nghĩa nặng nề gay gắt hơn (như luật giết người, ngoại tình và thề thốt), hoặc biến nó thành uyển chuyển (như luật ngày Sabbath). Chúa Giesu nhấn mạnh đến hai loại luật về Đức Ái là Yêu Chúa (Tl 6:5) và thương người (Lv19:18), trong đó “tất cả mọi luật và các ngôn sứ đều phụ thuộc vào hai luật này” ( Mt 22:34-40). Gọi đức Giesu là một tân Maisen vì Người đi song hành với luật, đồng thời truyền đạt ý muốn của Thiên Chúa cho loài người biết, trước tiên là cho dân Do Thái rồi sau đó cho tất cả mọi dân tộc trên khắp địa cầu (Mt 28:19-20).
BÀI GIẢNG TÁM MỐI PHÚC THẬT
Bài giảng trên núi (còn gọi là bài giảng Tám Mối Phúc Thật hay Hiến Chương Nước Trời) được đức Giesu ban truyền trên núi thánh ở Galilee là một địa danh nổi tiếng trong Tân Ước, nơi mọi người đã nhìn thấy sức mạnh quyền lực trên luật mà dân Israel đã nhận từ Thiên Chúa như là nền tảng của Giao Ước, đã được xác định rõ ràng và được chính đức Giesu thi hành. Chính nơi đó, trên núi thánh này, sau khi tuyên bố giá trị vĩnh cửu của luật và mọi người có bổn phận phải tuân giữ (Mt 5:18-19), đức Giesu đã quả quyết cần phải ăn ở công chính hơn cả những kinh sư và người biệt phái, và phải tuân giữ luật một cách linh động theo tinh thần Tin Mừng về đức Bác Ái và lòng Thành Thật.
Bài Phúc Âm thánh Mathieu hôm nay là một phần của bài giảng trên núi của đức Giesu, một bài giảng quả là vĩ đại! Đọc bài giảng này, ta thấy một đoạn dài khá phức tạp, gồm toàn những điều cấm đoán (Mt 5:17-37), khó có thể “nuốt” được, nói chi thấu hiểu tất cả mọi ý nghĩa thâm sâu chứa đựng bên trong. Câu (5:17) được đưa ra với lời mở đầu thì ngay lập tức theo sau là một xác quyết: “Anh em đừng tưởng thầy đến để bãi bỏ luật lệ và các ngôn sứ; Thầy đến không phải để bãi bỏ mà là để kiện toàn.” Luật vẫn còn đó và sẽ tồn tại mãi mãi, bởi vì nó đến từ Thiên Chúa là đấng không hề thay đổi. Đức Giesu muốn đưa ra lý tưởng về một tân vương quốc trần thế khi Người tái xuất hiện. Tổng thể ý tưởng của Người là muốn mọi người vượt quá cả luật lệ (hiện đang ảnh hưởng trầm trọng nơi các kinh sư và những người biệt phái) và kiểu cắt nghĩa luật lệ chi li từng chữ của họ, mà phải đi vào trọng điểm của chính tinh thần luật. Chúa nói: vâng theo và tuân giữ điều nhỏ nhặt nhất thì còn xa vời mới có thể đạt tới được tư cách của những người biết yêu Chúa thương người. Cố gắng để có một tình thương ít hoàn hảo nhất thì cũng chẳng khác gì cố công hoàn thành một điều quá nhỏ nhoi (Mt 5:19).
ĐỪNG QUÁ KHẮT KHE VÀ CẮT NGHĨA CHI LI TỪNG CHỮ
Mathieu trong đoạn 5 câu 21 đã nêu ra 6 thí dụ về đức tính mà người môn đệ chúa Giesu cần phải có. Mỗi thí dụ tương đương với một giới luật đều được bắt đầu bằng câu: “Anh em đã nghe luật dạy người xưa rằng…hoặc một công thức tương đương, rồi tiếp sau là lời đức Giesu giảng giải về giới luật đó. Nhưng ta nói cho anh em biết…; Đây là một chỉ định và chính là những “phản đề”. Ba trong những phản đề đó là phải tuân theo luật Maisen nhưng mở rộng đào sâu hơn (Mt 5:21-22, 27-28, 43-44), ba phản đề kia là từ chối, cấm cản, không được coi là những đức tính căn bản của người môn đệ (Mt 5:31-32, 33-37, 38-39).
Thí dụ đầu tiên về đức tính của người môn đệ Kito giáo là phải thắng lướt mọigiận dữ, oán hận, ước muốn bệnh hoạn thường tồn đọng trong tâm can con người, ngay cả việc không tuân giữ giới luật Maisen, trong đó có luật cấm giết người. “Anh em đã nghe luật dạy người xưa rằng ‘Chớ giết người. Ai giết người thì bị mang ra tòa xét sử.’ Nhưng thầy bảo cho anh em biết, ai giận anh em mình cũng bị mang ra tòa”(Mt 5:21-22). Cùng những ràng buộc như vậy là trường hợp những ai xúc phạm đến người khác bằng những lời nói độc ác, chế riễu, hạ nhục, nhạo báng…Đó là lời kết án tất cả những ai nhân nhượng, chiều theo bản tính ác độc, ghét bỏ, kỳ thị người mình không ưa; nó có khả năng biến thành hành động có thể làm tổn thương người khác hoặc giết người, tối thiểu cũng làm tổn thương về mặt tinh thần hay tâm lý, bởi lẽ nó vi phạm đức ái, một đòi hỏi phải có trong tình liên đới giữa con người với nhau.
Đức Giesu trình bày sự tinh tuyền của luật bác ái bằng cách nhắc nhở loài người tận tâm can sâu thẳm thầm kín nhất của họ xem họ có còn ưu tư thắc mắc nào đang ẩn hiện đâu đó trong lòng họ không. “Do đó nếu anh em sắp dâng lễ vật trên bàn thờ mà sực nhớ có người anh em nào đang có chuyện bất bình với mình thì hãy để của lễ đó, đi về làm hòa với họ rồi hãy trở lại dâng của lễ (Mt 5:23-24). Đức ái chúa Giesu giảng dạy đã giúp mọi người có ý hướng muốn làm việc thiện ích, biết kết đoàn hòa hợp với nhau trong mối tương quan giữa những người anh chị em láng giềng với nhau, ngay cả những trường hợp đang có tranh tụng pháp lý (Mt 5:25).
Ở thí dụ 2 liên quan đến giới răn thứ 6, trong đó có mục cấm ngoại tình, đức Giesu đã diễn nghĩa để luật đạt mức hoàn hảo. Người loan báo: “Anh em đã nghe luật dạy rằng ‘Chớ Ngoại Tình’; còn thầy, thầy bảo cho anh em biết….(Mt 5:27).Chúa Giesu đã kết án ngay cả những cái nhìn hoặc ước muốn bất chính, đen tối và mờ ám xác thịt để rồi đề nghị một chọn lựa giữa hy sinh cái bất toàn thể xác để cứu rỗi linh hồn, đạt điều vĩnh cửu là nước trời (Mt 5:29-30). Cũng liên hệ tới trường hợp này là một giảng huấn khác về ly dị, đức Giesu nói: “Ai bỏ vợ mình thì phải cho bà ta một chứng thư ly dị (Mt 5:31). Nhưng ta nói cho các ngươi hay… “Vì lòng các ngươi trai đá nên ông Maisen mới cho phép các ngươi ly dị vợ, chứ thuở ban đầu đâu có như vậy (Mt 19:8). Không kể trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, nếu ai ruồng rẫy, ly dị vợ mình đi lấy người khác là đương nhiên phạm tội ngoại tình” (Mt 19:9).
Trong bài Tin Mừng hôm nay, đức Giesu cũng dạy chúng ta không nên đa nghi hay bất tín người anh em hàng xóm khi họ vẫn thường tỏ ra thành thật và trung tín. Tốt hơn hết là hãy theo đúng luật lệ về lời ăn tiếng nói và hành động: “Có nói có, không nói không; bất cứ cái gì thêm bớt là do ma quỉ” (Mt 5:37).
TA ĐẾN KHÔNG PHẢI ĐỂ HỦY BỎ MÀ LÀ KIỆN TOÀN
Thực vậy, đức Kito đến không phải để hủy bỏ luật, nhưng để kiện toàn. Cứ coi cách Người diễn nghĩa luật và cuộc đời cùa Người thì đủ biết. Danh từ ‘Kiện Toàn’của đức Giesu phải được hiểu là nó liên hệ tới Giao Ước với dân Do Thái và Luật, các ngôn sứ và Kinh Thánh. Sự kiện toàn và không hủy bỏ này, về một phương diện, chứng tỏ có sự xác quyết của Cựu Ước, bởi lẽ Lời Chúa là lời đúng như Chúa là đấng duy nhất; về một phương diện khác, nó chứng tỏ sự toàn vẹn của Tân Ước, trong đó Thiên Chúa tỏ lộ là Cha, là Con và Thánh Thần (Mt 28:19).
Đức Giesu hiểu biết luật một cách hoàn hảo; Người tận hiến mình để kiện toàn luật. Tuy nhiên, Người vẫn chứng tỏ hoàn toàn tự do. Người ước muốn chính thức cắt nghĩa luật (ngày Sabbath, thức ăn cấm, luật thanh tẩy, cách ăn chay …); Người cũng muốn diễn tả nội dung và ý nghĩa thâm sâu của Luật và Kinh Thánh. Người đi thật xa như thể chứng tỏ Người là đấng làm ra luật với quyền hạn ngang hàng với Thiên Chúa. Chính Người đã kiện toàn luật (Rm 10:4). Đức Giesu cũng chứng tỏ Người là đấng tiếp nối đích thực của các ngôn sứ qua sứ điệp và cuộc sống của Người. Giống như các ngôn sứ, Người tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa của “Abraham, Isaac và Jacob” (Mt 2:32).
Đức Giesu tự giới thiệu mình là người kiện toàn các sách khôn ngoan trong Cựu Ước. Những sách này -dưới dạng Thánh Vịnh, Cách Ngôn, Trình Thuật bình dân- cho thấy dân chúa được điều khiển, một mặt bởi luật là những chỉ dẫn phải theo, một mặt bởi các ngôn sứ là người chỉnh huân dân chúng, vua chúa và cả các tư tế khi họ đi lạc đường sai lối.
SỰ CHÍNH XÁC CỦA ĐỨC ÁI VÀ NHỮNG THÁCH THỨC CỦA NÓ.
Trong Tân Ước, đức Giesu tự giới thiệu mình, không đơn giản chỉ là nối tiếp hoặc kết thúc Cựu Ước, mà còn là những điều hoàn toàn mới, là nguồn gốc và trên hết. Đức Giesu làm cho tình yêu của Thiên Chúa trở thành chính xác và đầy thách đố. Tình yêu được đánh giá bằng sự trung thành với những chi tiết nhỏ nhặt nhất của luật, từng chấm từng phảy. Khả năng tuân theo luật lệ của chúng ta là hoàn toàn do ơn trên ban cho. Cuộc sống của đức Giesu chính là mẫu mực cho việc kiện toàn này. Người có thể nói với các môn đệ của người không chỉ đơn giản là “Hãy tuân giữ luật của ta” mà còn là “Hãy theo ta, hãy bắt chước ta và hãy đi trong ánh sáng của ta”.
Đức Giesu không chỉ giúp ta hiểu biết tường tận hơn về Kinh Thánh, mà chính Người là Lời Thiên Chúa toàn hảo và dễ hiểu, bởi lẽ Người chính là phản chiếu vẻ huy hoàng của Người, là hình ảnh trung thực nhất của bản thể Thiên Chúa, Người là đấng dùng quyền năng của mình mà duy trì vạn vật (Dt 1:3). Người là “Lời đã trở nên người trần ở giữa chúng ta” (Ga 1:14). Người là “ánh sáng thật chiếu rọi trên muôn dân” (Ga 1: 9). Người là “đầu nhất và cuối hết”, là “đấng hằng sống” (Kh 1: 17-18). Không thể hiểu được một cách xác quyết tất cả mọi điều trong Kinh Thánh và lịch sử nếu không dựa vào ánh sáng Chúa Kito.
LỜI KẾT: HỌC HỎI KINH THÁNH
Chúng ta lại tiếp tục suy niệm tông thư Lời Chúa / Verbum Domini dựa vào ánh sáng của bài Tin Mừng hôm nay, đoạn #75 của Tông Thư hậu Thượng Hội Đồng Các Giám Mục về ‘Lời Chúa trong đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội.’
#75-“Để hoàn thành mục đích của Thượng Hội Đồng, nhất là tăng cường nhấn mạnh về Kinh Thánh trong sinh hoạt mục vụ của Giáo Hội, tất cả mọi Kito hữu, đặc biệt các giáo lý viên, cần phải được huấn luyện thích hợp. Cần phải để ý đến hoạt động tông đồ về Kinh Thánh là một phương thế rất có giá trị cho mục đích này như kinh nghiệm của Giáo Hội cho biết. Các giáo phụ của thượng hội đồng cũng yêu cầu, có thể qua việc sử dụng các cơ sở chuyên môn hiện có, các trung tâm huấn luyện phải được thiết lập ở những nơi mà giáo dân và các nhà truyền giáo có thể được học hỏi để hiểu, để sống và tuyên xưng Lời Chúa. Cũng như vậy, ở những nơi cần thiết, các tu hội chuyên biệt về nghiên cứu Kinh Thánh phải được thiết lập để bảo đảm những nhà chú giải kinh thánh có được một hiểu biết vững chắc về thần học và biết lượng giá thích đáng các bản văn mà họ dùng để thi hành sứ mệnh của họ.”
Fleming Island, Florida
Feb 13, 2014
Fxavvy@aol.com
NTC
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh
No comments:
Post a Comment